Theo một nghiên cứu do Gallup thực hiện gần đây, chỉ có 13% nhân viên trên toàn thế giới cảm thấy gắn kết với công việc. Kết quả này cũng có nghĩa rằng 87% nhân viên chỉ làm việc “cho có”, không cảm thấy yêu thích công việc của mình và không tạo ra được một môi trường làm việc hiệu quả.
Theo Blake Beus, Giám đốc của Learning Solutions, một tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp đào tạo cho các dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do đa số các công ty tin rằng gắn kết nhân viên là nhiệm vụ của bộ phận nhân sự. Trong khi đó, Beus cho rằng chính các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp cần phải tham gia vào quá trình này. Beus đưa ra một số sai lầm sau đây mà các sếp thường mắc phải trong vấn đề gắn kết nhân viên.
1. Không tham gia vào quá trình gắn kết nhân viên
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường quan niệm rằng gắn kết nhân viên là vai trò của bộ phận nhân sự hay trách nhiệm của chính bản thân các nhân viên. Kết quả là nhân viên luôn cảm thấy xa cách nhà lãnh đạo và công ty nói chung.
Beus khuyên các nhà lãnh đạo cần phải làm việc với bộ phận nhân sự để đưa ra các hành động cụ thể làm cho nhân viên cảm thấy gần gũi, gắn bó với công ty hơn, đồng thời hỗ trợ bộ phận nhân sự trong quá trình triển khai các hành động này.
2. Thực hiện quá nhiều cuộc khảo sát không hiệu quả
Đánh giá sự gắn kết của nhân viên bằng các cuộc khảo sát và phân tích mang tính định lượng là một việc quan trọng cần làm để nhà lãnh đạo hiểu được những cảm nhận của nhân viên về môi trường làm việc và rút ra những việc cần cải thiện.
Tuy nhiên, nếu thực hiện quá nhiều cuộc khảo sát, nhất là dưới hình thức những bảng khảo sát quá dài, có quá nhiều câu hỏi không phù hợp sẽ khiến cho nhân viên cảm thấy hoang mang và tạo ra tác dụng ngược đối với việc gắn kết họ.
Beus khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nên xây dựng những bảng khảo sát ngắn gọn, hiệu quả và gửi đến nhân viên theo những khoảng thời gian hợp lý. Chẳng hạn, nên thay bảng khảo sát gồm nhiều câu hỏi theo kiểu trắc nghiệm bằng một bảng khảo sát chỉ có ba, bốn câu hỏi mở với gợi ý trả lời ngắn gọn.
3. Không thích ứng với môi trường làm việc hiện đại
Một trong những lý do khiến nhân viên ít gắn kết với doanh nghiệp là có khá nhiều nhà lãnh đạo chỉ bám vào những quy trình, phương pháp làm việc đã lỗi thời.
Beus cho rằng, nhân viên thuộc các thế hệ khác nhau sẽ có động cơ, triết lý khác nhau trong công việc. Đối với nhân viên thuộc các thế hệ trẻ, việc động viên bằng tài chính chưa chắc là cách làm tốt nhất để giữ chân họ.
Thực tế cho thấy, nhân viên thuộc thế hệ này mong muốn được làm việc trong những môi trường hiện đại, sáng tạo, được thường xuyên học hỏi những cái mới.
Beus khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên thực hiện các cuộc khảo sát về sự gắn kết của nhân viên để tìm hiểu những động cơ làm việc thực sự của họ và động viên họ dựa trên những thông tin này.
4. Không để ý đến những dấu hiệu cảnh báo sớm
Một trong những dấu hiện cảnh báo nghiêm trọng về sự gắn kết của nhân viên là tình trạng nhân viên nghỉ việc khá cao. Tuy nhiên, một số ông chủ doanh nghiệp lại có thể quan niệm rằng, “đó không phải là điều đáng lo” vì họ vẫn có thể tuyển dụng nhân sự mới dễ dàng.
Nhưng Beus cho rằng, sai lầm này sẽ khiến cho doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí và khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên để ý đến những dấu hiệu cảnh báo sớm về sự gắn kết của nhân viên, thực hiện các cuộc khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.
5. Ngại đầu tư chi phí
Mặc dù sự gắn kết của nhân viên không phải chỉ đến từ những hình thức động viên bằng tiền, Beus khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên quan niệm rằng đây là một vấn đề quan trọng cần được đầu tư thích đáng về tiền bạc lẫn thời gian.
Nhiệm vụ của các sếp là phải làm sao để nhân viên cảm thấy họ được đánh giá cao và không nên ngần ngại chi tiền ra cho những sự kiện, giải thưởng nhỏ hay những hoạt động khác để thể hiện điều này. Nhân viên sẽ dễ cảm thấy bất mãn và mất đi nhiệt huyết trong công việc nếu nhận thấy sếp quá chi li về tài chính.
Theo Switch&Shift/DNSG