7 cách giúp lãnh đạo đổi mới môi trường làm việc

Văn hóa công ty không chỉ đơn thuần là một chiếc ghế lười hay một ly soda miễn phí trong phòng ăn, chính sách thời gian làm việc linh hoạt, sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc…, mà là điều gì đó tuy không cần nói ra nhưng tất cả mọi người đều hiểu rõ. Vậy đâu là cách đổi mới môi trường làm việc hiệu quả?

Đó là cách thức mọi thứ được vận hành, cách những quyết định được thực hiện, những gì đáng được ưu tiên và những hành động nào đáng được khen thưởng.

Hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về chiến lược đổi mới cho các doanh nghiệp và về cách thức lựa chọn các dự án độc đáo cho nhiều nhà đầu tư, Falguni Desai – Giám đốc điều hành Future Asia Ventures đề xuất những cách nhà lãnh đạo có thể thay đổi hành vi để khuyến khích một môi trường làm việc mới mẻ:

1. Đòi hỏi tốc độ

Đòi hỏi mọi thứ phải được hoàn thành nhanh hơn, thời gian diễn ra các cuộc họp phải ngắn hơn… chính là cách để nhà lãnh đạo nói với nhân viên của mình rằng, điều cần chú trọng đầu tiên là hiệu quả công việc.

Việc đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng giúp nhân viên biết cách dành thời gian vào những phần việc thực sự cần thiết, thay vì phân tán tư tưởng vào những việc vô bổ.

2. Đi ra ngoài

Những nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian giao tiếp với khách hàng, nhà cung cấp, chuyên gia phân tích thị trường và các nhà lãnh đạo khác sẽ dễ dàng nảy ra những ý tưởng độc đáo về sản phẩm/dịch vụ mới trong tương lai. Hãy tạo điều kiện cho nhân viên có thời gian ra ngoài để họ cũng có thể học hỏi những điều mới.

3. Ngưng chú ý tiểu tiết

Chỉnh sửa từng chi tiết trong bản kế hoạch, bài thuyết trình, bài phát biểu, đặc biệt là đối với những kế hoạch nội bộ sẽ lấy đi nhiều thời gian lẽ ra phải dành cho khách hàng, đối tác. Hãy bỏ qua những tiểu tiết không cần thiết, chỉ cần đảm bảo tài liệu đúng chính tả, đúng ngữ pháp và truyền tải đúng thông điệp. Sau đó ngừng chỉnh sửa và tập trung vào việc thực hiện những phần việc đã đề ra.

w620h405f1c1-files-articles-2016-1096837-truyen-thong-noi-bo-doanhnhansaigon

4. Kêu gọi sự giúp đỡ

Khi nhà lãnh đạo không ngại nói lên những khó khăn đang gặp phải và yêu cầu được giúp đỡ, họ sẽ chứng minh cho nhân viên thấy sự khiêm tốn và sự đáng tin cậy của mình. Hành động kêu gọi sự giúp đỡ có khả năng thúc đẩy tất cả mọi người mong muốn được trở thành một phần của giải pháp.

5. Xóa đi khoảng cách với nhân viên

Những nhà lãnh đạo có xu hướng duy trì khoảng cách với cấp dưới sẽ tự đẩy mình ra xa những cuộc đối thoại quan trọng với nhân viên. Nếu không thể trả lời tất cả email hoặc không có điều kiện thường xuyên triệu tập những cuộc họp, hãy tạo ra các diễn đàn hoặc đưa ra một công cụ nào đó để nhân viên thoải mái chia sẻ ý tưởng.

6. Đi thăm một đất nước mới

Những nhà lãnh đạo đi du lịch nước ngoài vì yêu cầu công việc hoặc để giải trí sẽ có những cách tiếp cận đầy cảm hứng về việc áp dụng hiệu quả công việc kinh doanh của mình ở một nước khác. Đôi khi việc nhìn thấy nhu cầu ở các nước bạn sẽ giúp ích nhiều cho việc phát triển sản phẩm/dịch vụ ở quốc gia mà doanh nghiệp đang hoạt động.

7. “Pha trộn” nhân viên

Hãy tạo điều kiện cho những nhân viên giỏi tham gia nhiều buổi họp bàn kế hoạch ở nhiều chi nhánh khác nhau của công ty. Nhờ đó, nhân viên sẽ có cơ hội so sánh, đối chiếu những gì họ đã làm với những gì họ được nhìn thấy ở những nhóm làm việc khác. Từ đó, họ sẽ được bổ sung thêm kiến thức và dễ dàng nảy ra những ý tưởng mới.