Trách nhiệm của hộ gia đình và chính quyền địa phương trong lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt, mang tính cộng đồng chia sẻ trên tinh thần nhiều người cùng đóng góp để san sẻ cho một số ít người rủi ro, bệnh tật. Đặc biệt, BHYT đang là điểm tựa vững chắc cho nhiều người dân nghèo, còn đối với những bệnh nhân mắc bệnh nan y, chạy thận nhân tạo, ung thư… BHYT thực sự trở thành “cứu tinh”, là mạng sống thứ 2 của người bệnh.

BHYT HGD 070316 02.JPG

Theo Luật BHYT hiện hành, BHYT là hình thức bắt buộc đối với mọi người dân. Từ 01/01/2015, hình thức tham gia BHYT hộ gia đình được tổ chức thực hiện, các thành viên tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được giảm trừ mức đóng, theo quy định người thứ nhất một tháng đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở thì người thứ hai, thứ ba, thứ tư mức đóng giảm dần lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ năm trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất. Người tham gia được lựa chọn 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm đóng BHYT một lần thông qua đại lý thu (UBND xã, phường, thị trấn,…), điểm bưu điện văn hóa xã hoặc trực tiếp cho cơ quan BHXH.

Triển khai thực hiện BHYT hộ gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT để đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT để quản lý đối tượng tham gia BHYT, nắm bắt chính xác tỷ lệ bao phủ người tham gia BHYT trên địa bàn, đồng thời vận động, thu hút, phát triển đối tượng tham gia BHYT. Mặt khác đây cũng là cuộc thống kê, rà soát việc cấp trùng thẻ BHYT, tránh gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Qua hơn một năm tổ chức thực hiện cho thấy, tại hầu hết các địa phương, việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT còn rất nhiều khó khăn. Việc kê khai mẫu DK01 vẫn thiếu những thông tin cơ bản hoặc thiếu chính xác về nơi khai sinh lần đầu, ngày tháng năm sinh, mã đối tượng, số sổ hộ khẩu…

Để thực hiện tốt BHYT hộ gia đình, cần thực hiện theo quy trình lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT với sự tham gia của các tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn, BHXH cấp huyện, thành phố, đại lý thu BHYT, trong đó: hộ gia đình có trách nhiệm kê khai đầy đủ, chính xác toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào mẫu (mẫu DK01) làm cơ sở quản lý, theo dõi người tham gia BHYT. Danh sách này được các trưởng thôn tiếp nhận tại hộ gia đình và bàn giao cho UBND xã. Từ các bản kê khai đó, UBND xã cử cán bộ tổng hợp, rà soát, xác minh và nhập thông tin danh sách người thuộc hộ gia đình; phân loại đối tượng theo danh sách người đang tham gia theo nhóm đối tượng; người chưa tham gia BHYT rồi chuyển cho BHXH cấp huyện.

Đối với hộ gia đình, việc kê khai theo Mẫu DK01 là khâu rất quan trọng. Để danh sách kê khai chất lượng, đầy đủ thông tin, hộ gia đình kê khai đầy đủ, chính xác; xác minh lại thông tin về chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình kê khai trong Mẫu DK01, căn cứ vào sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, thẻ BHYT, sổ tạm trú để sửa đổi, bổ sung nếu có sai sót.

Sau khi hoàn tất việc kê khai, bổ sung, chủ hộ (hoặc người đại diện) ký xác nhận gửi lại Mẫu DK01 cho Trưởng thôn hoặc cán bộ rà soát.

Lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT là giải pháp quan trọng để có thể thống kê chính xác tình hình dân số, xác định số người đang tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng, số người chưa tham gia BHYT theo địa bàn xã, phường, thị trấn để có giải pháp phát triển đối tượng, tiến tới BHYT toàn dân. Do vậy, để việc triển khai thực hiện lập danh sách hộ gia đình tham gia và cấp thẻ BHYT bảo đảm đúng tiến độ, tránh sai sót, bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm và nhận thức vai trò của BHYT đối với bản thân và gia đình để chủ động hợp tác kê khai./.

(BHXH các địa phương có thể sử dụng để tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, phường)

Trung tâm Truyền thông- BHXH Việt Nam