Ngành quản trị nhân lực hiện nay đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và chú ý từ các bạn trẻ bởi sự hấp dẫn trong vai trò quản lý và phát triển tài nguyên con người. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là: học quản lý nhân sự là học gì và học ở đâu là tốt nhất? Hãy cùng VnResource tìm câu trả lời cho câu hỏi này để có cái nhìn tổng quan hơn về ngành quản lý nhân sự qua bài viết dưới đây nhé!
I. Ngành quản lý nhân sự là gì?
Khái niệm
Ngành quản lý nhân sự (Human Resource Management – HRM) là lĩnh vực tổ chức, quản lý và điều phối nguồn nhân lực của doanh nghiệp sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. Quá trình này bao gồm các hoạt động như tuyển dụng, đào tạo, phát triển, đánh giá và giữ chân nhân viên của công ty.
Tầm quan trọng của quản lý nhân sự
Quản lý nhân sự là một trong những chức năng quan trọng của công tác quản trị, bởi nó quyết định chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân tài – những người trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh của tổ chức. Một nhà quản trị giỏi sẽ nắm rõ năng lực và tiềm năng của từng nhân viên, từ đó đưa ra những chính sách phân bổ nguồn nhân lực sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, công tác quản lý nhân sự còn là nền tảng cung cấp thông tin để doanh nghiệp đưa ra những quyết định quan trọng. Cụ thể, bộ phận quản trị sẽ thiết lập những báo cáo về hiệu quả của hoạt động tuyển dụng, đào tạo, tình hình biến động nhân sự trong tổ chức… và đề xuất ra giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp điều chỉnh và cải thiện kịp thời.
II. Ngành quản lý nhân sự học gì?
Ngành quản lý nhân sự là một lĩnh vực rộng lớn bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Vì vậy, nếu theo học ngành này, bạn cũng sẽ được học những kiến thức đa dạng từ tổng quan đến chuyên sâu về công tác quản trị nguồn nhân lực như lập kế hoạch, quản trị tài chính, đánh giá và đào tạo nhân sự…
Thông thường, các môn về quản lý nhân sự sẽ được học trong các khoá học kinh tế kinh doanh, chẳng hạn như tìm hiểu về lý thuyết quản lý nhân sự, các khái niệm và phương pháp quản lý nhân sự cơ bản hay các mô hình quản lý nhân sự hiện đại. Ngoài ra, người học cũng cần phải có kiến thức về các văn bản pháp luật liên quan đến lao động và quản lý nhân sự, bao gồm các quy định về lương, thời gian làm việc, bảo hiểm xã hội…
Nhìn chung, ngành này không chỉ đơn thuần đào tạo những kiến thức về nguồn nhân lực mà còn cung cấp cho người học các kỹ năng thực tiễn để giao tiếp linh hoạt và hiệu quả giữa người với người. Một số môn học của sinh viên ngành Quản trị nhân lực như sau (lưu ý rằng môn học sẽ có khác biệt theo giáo án mỗi trường):
- Kinh tế vi mô, vĩ mô
- Nguyên lý kế toán
- Quản trị học
- Quản trị nhân lực
- Quản trị chiến lược
- Quản trị tài chính
=>> Xem thêm: Học ngành quản lý nhân sự có nguy cơ ra trường thất nghiệp?
III. Các kỹ năng cần có của một người theo ngành quản lý nhân sự
Nếu vẫn còn đang phân vân không biết bản thân có hợp với ngành quản lý nhân sự không thì sau đây là những kỹ năng cần thiết của một người làm trong ngành quản trị nhân sự mà bạn có thể tham khảo:
- Kỹ năng chuyên môn: Để hoàn thành tốt bất kỳ việc gì thì trang bị đầy đủ kỹ năng chuyên môn cho bản thân là một điều không thể thiếu. Đặc biệt là trong ngành quản lý nhân lực, nhà quản trị phải có đủ năng lực và kiến thức về con người, ví dụ như làm thế nào để hoạch định kế hoạch tuyển dụng hay chiến lược giữ chân nhân tài, dự báo nhu cầu nhân sự của tổ chức, phân bổ nguồn lực hợp lý…
- Kỹ năng giao tiếp: Nghề nhân sự thường phải tiếp xúc và giao tiếp với con người mỗi ngày. Với từng đối tượng khác nhau, nhà quản trị phải có những cách tiếp cận và ứng xử khéo léo để thích ứng được trong mọi tình huống cũng như duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.
- Kỹ năng đàm phán và thuyết phục: Trong một tập thể lúc nào cũng sẽ tồn tại nhiều luồng ý kiến khác nhau. Để tất cả mọi người đều hướng về mục tiêu chung, các nhà quản lý nhân sự phải có kỹ năng thuyết phục tốt để giải quyết mâu thuẫn nội tại, từ đó gắn kết nhân viên, đem đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích trong việc phát triển nguồn nhân lực.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Trong ngành này, nhà quản trị sẽ thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề và thách thức liên quan đến nhân sự. Vì vậy, việc trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề tốt sẽ giúp xác định được chính xác nguyên nhân, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
- Kỹ năng quản lý thời gian: Nhà quản trị nhân sự cần phải quản lý nhiều đầu việc đa dạng, vì vậy nếu không biết cách sắp xếp công việc hay phân chia thời gian một cách hợp lý thì rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải thông tin và quản lý không hiệu quả.
- Kỹ năng lãnh đạo: Để trở thành một người quản lý nhân sự xuất sắc đòi hỏi bạn phải có tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo tốt để hướng dẫn và tạo điều kiện cho nhân viên phát huy được hết tiềm năng của mình. Kỹ năng lãnh đạo giúp bạn xây dựng được một môi trường làm việc tích cực và tạo động lực cho nhân viên để đạt được sự thành công chung cho tổ chức.
=>> Xem thêm: 5 kỹ năng mềm cho người làm nhân sự cần nắm vững
IV. Ngành quản lý nhân sự học ở trường nào?
Hiện nay, có nhiều trường đại học và tổ chức đào tạo cung cấp chương trình học của ngành quản lý nhân sự. Dưới đây là một số trường nổi tiếng về chất lượng giảng dạy mà bạn có thể tham khảo, tuỳ theo vị trí địa lý và nhu cầu để đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.
Các trường đào tạo ngành quản lý nhân sự ở miền Bắc
- Trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân
- Trường ĐH Thương Mại
- Trường ĐH Nội Vụ
- Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội
- Trường ĐH Công Đoàn
- Trường ĐH Lao Động – Xã Hội
Các trường đào tạo ngành quản lý nhân sự ở miền Trung
- Trường ĐH Kinh Tế – Đại Học Đà Nẵng
- Trường ĐH Kinh Tế – Đại Học Huế
- Trường ĐH Đông Á – Đà Nẵng
Các trường đào tạo ngành quản lý nhân sự ở miền Nam
- Trường ĐH Kinh tế TPHCM
- Trường ĐH Kinh Tế -Tài Chính TPHCM
- Trường ĐH Mở TPHCM
- Trường ĐH Hoa Sen
- Trường ĐH Tôn Đức Thắng
- Trường ĐH Lao Động – Xã Hội (Cơ sở phía Nam)
- Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
- Trường Đại học Đông Á
Tuy nhiên, ngoài các khoá học đào tạo chính quy, bạn cũng có thể tìm kiếm thêm các khóa học trực tuyến, tài liệu chuyên ngành và tham gia các hoạt động ngoại khóa để nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình trong lĩnh vực quản lý nhân sự.
V. Kết luận
Trong bài viết trên, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về ngành quản lý nhân sự và những kỹ năng cần thiết để thành công trong lĩnh vực này. Đây là một ngành nghề đầy triển vọng với nhiều cơ hội nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức về việc quản lý và phát triển tài nguyên con người.
Khi chọn trường học, bạn cần xem xét các yếu tố như danh tiếng, chất lượng giảng dạy, chương trình học, cơ hội thực tập và mạng lưới sinh viên. Bằng việc chọn học tại các trường đại học uy tín và rèn luyện kỹ năng thích hợp, bạn có thể mở ra cho mình con đường sự nghiệp tương lai thành công trong lĩnh vực này. Vì vậy, nếu thật sự yêu thích ngành quản lý nhân sự, hãy không ngại khám phá và học hỏi, vì việc đầu tư vào kiến thức và kỹ năng luôn đem lại giá trị lớn cho sự phát triển cá nhân và sự nghiệp của bạn.