Khai thác tài sản trí tuệ, cách nào?

Tài sản trí tuệ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) phát triển, qua đó thúc đẩy nội lực nền kinh tế. Nhưng để khai thác được lợi thế này cần phải hiểu, có cách tiếp cận đúng và quản trị thông minh. Tài sản trí tuệ là những sản phẩm của hoạt động trí tuệ, là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Khác với những tài nguyên khác như lao động, vốn, tiền, đất đai…, tài sản trí tuệ là nguồn tài nguyên không giới hạn mà mỗi DN đều có thể tạo ra. Sự tăng trưởng của tài sản trí tuệ là kết quả của hoạt động sáng tạo không ngừng nghỉ của con người.

Các chuyên gia thương hiệu cho rằng, chúng ta đang sống trong môi trường của những tài sản trí tuệ, tài sản vô hình. Những sản phẩm càng có nhiều tài sản trí tuệ càng có giá bán cao. Chẳng hạn như các sản phẩm của Apple, chúng ta phải trả thêm tiền cho bằng sáng chế công nghệ, bản quyền phát minh, thương hiệu…

Hiện nay, sự tăng trưởng, sự phát triển, sự bền vững của tài sản vô hình có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tốc độ phát triển của tài sản hữu hình mà chúng ta vô tình không để ý. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với DN.

Chia sẻ tại diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo (IIBF) do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Trần Việt Thanh cho rằng, để kinh doanh tài sản trí tuệ có hiệu quả, trước hết DN cần có những hiểu biết nhất định về loại tài sản này. DN cần phải coi trọng tài sản trí tuệ và có chiến lược kinh doanh, quản trị thích hợp với tài sản trí tuệ.

w620h405f1c1-files-articles-2016-1096859-lanh-dao-sang-tao-doanhnhansaigon

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, tài sản trí tuệ càng được đặc biệt coi trọng vì đây là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của mỗi DN và cả nền kinh tế.

Nhưng làm sao để khai thác được hết lợi thế tài sản trí tuệ mang lại? Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, bên cạnh việc đầu tư vào nguồn lực con người, DN cần phải xây dựng và thực hiện chiến lược quản trị tài sản trí tuệ thông minh. Điều này sẽ giúp DN giảm thiểu rủi ro trong quá trình khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ, đồng thời phát triển những quan hệ đối tác cũng như khối tài sản trí tuệ nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh.

Thông qua hoạt động kinh doanh tài sản trí tuệ, DN không chỉ thu hồi vốn chi phí đầu tư để tạo dựng và phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ mà còn làm cho giá trị của tài sản trí tuệ ngày càng tăng cao. Các công cụ quản trị tài sản trí tuệ DN cần áp dụng gồm: kiểm kê, thẩm tra, định giá và tổ chức nhân lực chuyên nghiệp riêng để quản trị tài sản trí tuệ.

Nhưng kinh doanh tài sản trí tuệ chỉ thực sự phát huy nếu có một thể chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mang tính đầy đủ và hiệu quả. Để thực hiện được điều đó, hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ cần phải lập ra những nguyên tắc bảo hộ rõ ràng, có khả năng ngăn chặn cũng như phòng ngừa các hành vi cố ý xâm phạm.

Các chuyên gia cho rằng, việc gia nhập các điều ước quốc tế về tự do hóa thương mại trong hai thập kỷ gần đây, nhất là Hiệp định TPP, đã đặt Việt Nam trước sức ép của việc cải tổ hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ để vừa đáp ứng được những đòi hỏi cao của quá trình hội nhập, vừa chú trọng cân bằng lợi ích xã hội và đảm bảo quyền được phép kinh doanh tài sản trí tuệ của DN mà không bị cản trở.

Thời gian qua, để đảm bảo đủ các điều kiện và thúc đẩy hoạt động kinh doanh về tài sản trí tuệ của DN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang thực hiện chương trình hành động mang tính chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, có nhiều thách thức đặt ra cho vấn đề này. Tiêu chuẩn của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ khiến DN Việt Nam có thể rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp và bị thiệt hại nếu không thực hiện nghiêm. Hơn nữa, với thực tế hiện nay, DN Việt Nam vẫn ít có cơ hội sử dụng những cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài những yếu thế trên, theo Thứ trưởng Thanh, khả năng tài chính hạn hẹp, quy mô nhỏ và rất nhỏ của DN Việt Nam cũng là một hạn chế lớn trong vấn đề đầu tư cho tài sản trí tuệ. Không những thế, khi xảy ra tranh chấp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam ở nước ngoài thì vấn đề tư pháp rất phức tạp, chi phí thuê luật sư cao khiến không nhiều DN Việt Nam đủ sức theo đuổi.

“Với những nước đang phát triển như Việt Nam, việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao của quốc tế về sở hữu trí tuệ trước mắt có thể tạo ra những khó khăn, nhưng nếu vượt qua được những thách thức đó chúng ta sẽ thu được lợi ích rất lớn. Vì vậy, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam để vượt qua những thách thức nói trên là vấn đề DN phải chú trọng trong thời điểm này”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhận định

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn