Đề xuất giảm 1 % tỉ lệ đóng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn bệnh nghề nghiệp

Tại Phiên họp Chính phủ tháng 10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất giảm 1% tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn bệnh nghề nghiệp (tương ứng với 5.400 tỉ đồng), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và tạo thêm việc làm. Vậy, đề xuất dựa trên căn cứ gì?

Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tỉ lệ số chi/thu đều chiếm khoảng gần 10% trong những năm gần đây. Hiện tại, số kết dư khá lớn với 26.000 tỉ đồng. Riêng năm 2015, ước tính thu đạt 5.600 tỉ đồng, trong khi đó mức chi chỉ 460 tỉ đồng (chiếm khoảng 8 %).

Đánh giá về phương án giảm 0,5% tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH ước tính số thu quỹ sẽ giảm khoảng gần 3.000 tỉ đồng/năm.

phucaptrocap

Việc giảm số thu trong khi số chi không giảm sẽ làm cho tỉ lệ chi/thu của quỹ này tăng lên khoảng 20% (trước khi giảm tỷ lệ đóng tỉ lệ này khoảng 10%). Với phương án giảm như trên, các chuyên gia của Bộ LĐ-TB&XH khẳng định không gây xáo trộn trong cân đối quỹ.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là đến hết năm 2015 là 48.900 tỉ đồng. Riêng trong năm 2015, ước tính thu 9.470 tỉ đồng, chi 4.800 tỉ đồng. Tỉ lệ số chi/thu năm 2015 chiếm 50 %.

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giảm tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 2% xuống còn 1,5%, trong đó giảm 0,5% phần đóng của người sử dụng lao động.

Theo một chuyên gia của Bộ LĐ-TB&XH, thực trạng cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua cho thấy tỷ lệ chi/thu có xu hướng tăng từng năm, đến năm 2015 đạt 51%.

Số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là đến hết năm 2015 là 48.901 tỉ đồng.

Nếu giảm 0,5% tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì số thu quỹ sẽ giảm khoảng 2.400 tỉ đồng/năm, làm cho tỉ lệ chi/thu tăng lên khoảng 70% (tính theo tương quan mức thu, chi của năm 2015).

“Như vậy, với tốc độ tăng thu, chi như giai đoạn vừa qua, nếu không có nội dung tăng chi đột biến thì việc giảm 0,5% tỉ lệ đóng trong một vài năm tới quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo cân đối thu chi” – chuyên gia cho biết.

Đánh giá tổng thể, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nếu tăng chi đột biến thì trong một số năm tới số thu quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong năm vẫn đảm bảo số chi và có kết dư. Đây cũng là căn cứ để Bộ trình đề xuất giảm 1 % mức đóng vào quỹ BHTN và quỹ tai nạn bệnh nghề nghiệp.


Tác động tích cực tới doanh nghiệp

Theo đánh giá tác động của Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh giảm 1 % tỉ lệ đóng (giảm ở mỗi quỹ là 0,5 %) sẽ có hiệu ứng tốt cho người sử dụng lao động, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Cụ thể:

Giảm 1% tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động sẽ làm giảm thu của quỹ khoảng 5.400 tỉ đồng/năm. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động (các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội) giảm được 5.400 chi phí tiền đóng mỗi năm.

Giảm 1% tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động, các doanh nghiệp sẽ giảm được 4,5% tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng năm. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh.


Nghiên cứu đễ xuất giãn lộ trình thực hiện đóng BHXH trên tổng thu nhập

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, việc tính đóng bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện theo lộ trình tính mức lương, phụ cấp và dẫn tiến tới cả khoản bổ sung vào năm 2018. Khi mức đóng tính trên tổng thu nhập thì lương hưu sẽ cao hơn. Nhưng từ phía các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn khi áp dụng quy định này. Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp thu và đánh giá vấn đề này, có thể Bộ sẽ trình nghiên cứu phương án giãn lộ trình thực hiện để trình Quốc hội.

Nguồn: Thư Viện Pháp Luật