Công chức chỉ còn được hưởng 7 loại phụ cấp từ 01/07/2022?

Cải cách tiền lương là một trong những chính sách ảnh hưởng rất lớn đến cán bộ, công chức, viên chức. Không chỉ có nhiều thay đổi về lương mà các loại phụ cấp cũng được điều chỉnh.

Công chức được cải cách tiền lương từ 01/7/2022?

Theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018, năm 2021 này sẽ là thời điểm cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra. Bởi vì mặc dù đã trải qua 04 lần cải cách tiền lương nhưng chính sách tiền lương vẫn còn rất nhiều hạn chế và bất cập.

Việc tính lương theo công thức: Lương = Mức lương cơ sở x hệ số hiện đang được áp dụng hiện nay với tất cả các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức còn mang nặng tính bình quân, đặc biệt cách tính này không đảm bảo được cuộc sống của các đối tượng nêu trên.

Đồng thời, Nghị quyết này cũng khẳng định:

Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị

Như vậy, với tinh thần của Nghị quyết này, năm 2021 này là năm sẽ thực hiện cải cách tiền lương trên diện rộng trong khu vực công, đảm bảo lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên vào ngày 09/10/2020, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương này đến 01/7/2022.

Từ 01/7/2022, công chức chỉ còn 7 loại phụ cấp?

Mặc dù thời điểm cải cách tiền lương bị lùi đến 01/7/2022 tuy nhiên nội dung cải cách tiền lương vẫn được giữ nguyên như tinh thần của Nghị quyết 27.

Theo đó, về các loại phụ cấp, từ 01/7/2022, công chức sẽ chỉ còn được hưởng 07 loại phụ cấp sau đây:

1/ Phụ cấp kiêm nhiệm

Loại phụ cấp này áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị nhưng cũng được bầu cử hoặc bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm (khoản 2 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP).

Theo đó, Mục III Thông tư 78/2005/TT-BNV quy định cụ thể cách tính mức hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đơn vị, cơ quan khác:

Phụ cấp kiêm nhiệm = 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

Lưu ý: Khi thôi giữ chức danh kiêm nhiệm thì người đó cũng thôi hưởng phụ cấp kiêm nhiệm kể từ tháng sau liền kề luôn.

2/ Phụ cấp thâm niên vượt khung

Đây là loại phụ cấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức đã xếp lương ở bậc cuối cùng trong ngạch và hoàn thành nhiệm vụ hàng năm, không bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc không bị bãi nhiệm trong thời gian giữ chức vụ bầu cử.

Mức phụ cấp này được nêu cụ thể tại khoản 1 Mục III Thông tư 04/2005/TT-BNV như sau:

– Cán bộ, công chức, viên chức đã có 03 năm xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh từ loại A0 đến A3 hưởng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng. Từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

– Cán bộ, công chức, viên chức đã có 02 năm xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại B và loại C hưởng phụ cấp bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng. Từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm có đủ 02 tiêu chuẩn thì được tính hưởng thêm 1%.

3/ Phụ cấp khu vực

Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, phụ cấp khu vực áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương cơ sở.

Trong đó, căn cứ để cán bộ, công chức, viên chức được hưởng phụ cấp này dựa vào yếu tố địa lý tự nhiên như khí hậu xấu, khắc nghiệt cao hơn mức bình thường hoặc xa xôi, hẻo hánh, đi lại khó khăn… theo quy định tại Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT.

4/ Phụ cấp trách nhiệm công việc

Theo Thông tư 05/2005/TT-BNV, cán bộ, công chức, viên chức làm việc với tính chất công việc đòi hỏi trách nhiệm cao sẽ được hưởng mức phụ cấp với hệ số 0,5; 0,3; 0,2 và 0,1 so với mức lương cơ sở.

Với người làm công tác bảo vệ cơ mật mật mã, căn cứ Thông tư số 07/2017/TT-BNV, được hưởng phụ cấp gồm 03 mức là 0,1; 0,2 và 0,3 so với mức lương cơ sở hiện nay.

5/ Phụ cấp lưu động

Phụ cấp này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở gồm 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương cơ sở theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị định 204 năm 2004.

6/ Phụ cấp theo nghề

Theo Nghị quyết 27, nếu cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương sẽ như nhau. Riêng điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện theo chế độ phụ cấp theo nghề.

Đồng thời, đây là khoản phụ cấp trước đây chưa từng có. Nó được gộp chung của các loại phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Loại phụ cấp này áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức làm nghề, công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường như giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường…

7/ Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn

Đây cũng là một trong những khoản phụ cấp cũng được gộp chung lại theo tinh thần của Nghị quyết 27 gồm các loại phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Không chỉ vậy, từ ngày 01/7/2022 cũng bổ sung thêm 03 loại phụ cấp là: Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính đối với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).

Như vậy, sắp tới từ 01/7/2022, cán bộ, công chức, viên chức chỉ còn được hưởng các loại phụ cấp nêu trên.