Quản lý đúng là một nghệ thuật và không phải lúc nào cũng vận dụng kiểu quản lý giống nhau để đạt được mục tiêu quản trị. Có một so sánh thú vị như thế này: lãnh đạo như người chăn vịt và những chú vịt dễ thương chính là các nhân viên, và người chăn vịt có 3 kiểu chăn:
Kiểu chăn thứ nhất là đứng đằng sau đàn vịt và “thúc đẩy” cả đàn tiến về phía trước, với kiểu này, đàn vịt nhỏ thì có thể làm được nhưng đàn vịt lớn sẽ rất khó vì những chú phía dưới chưa kịp nghe “mệnh lệnh” thì các chú ở trên đã chạy tán loạn. Nhưng khi đàn vịt đã bắt đầu quen với đường từ đồng về nhà và từ nhà về đồng, người chăn vịt không còn phải thúc từng con nữa mà ông đứng ở bên ngoài, để đàn vịt tự đi và lâu lâu những chú vịt lạc bầy sẽ được đưa lại vào trong khuôn khổ. Lúc này đàn vịt cứ đi và người chăn vịt chỉ chăm lo những chú vịt lạc đàn.
Và khi đàn vịt đã thật sự thành thạo đường đi lối về, người chăn vịt chỉ làm lãnh đạo TINH THẦN bằng cách đi trước và đàn vịt cứ thế nối đuôi nhau đi theo người chỉ huy. Các chú vịt ngoan ngoãn đi theo người chăn vịt mà không hề có sự phàn nàn cũng như chẳng có con nào lạc đàn, vì nó đã quá quen với con đường từ nhà ra ruộng và từ ruộng về nhà, đồng thời nó cũng hiểu rằng đi theo người chăn vịt là đảm bảo bữa ăn no nê cho nó.
Khi áp dụng câu chuyện thú vị này vào đời sống doanh nghiệp, chúng ta có những so sánh thú vị. Giai đoạn doanh nghiệp mới hình thành, người quản lý gần như làm tất cả và hướng dẫn từng ly từng tí cho từng nhân viên một, vì lúc này công việc còn ít, số lượng nhân viên chưa nhiều nên người quản lý có thể một mình làm tất cả.
Khi doanh nghiệp bắt đầu lớn, các nhân viên bắt đầu quen việc, lúc này người quản lý không thể quản lý theo kiểu cũ mà bắt đầu viết các quy trình, các tiêu chuẩn làm việc và chỉ kiểm soát những nhân viên vi phạm các nguyên tắc, như người chăn vịt kia lùa những chú vịt lạc đường về với đàn.
Và khi doanh nghiệp đã đủ trưởng thành, các trưởng bộ phận đã có thể thay thế được việc kiểm soát thì người lãnh đạo hay quản lý cấp cao lúc này chỉ cần làm nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần, tức là động viên, khuyến khích, định hướng để mọi người cùng thực hiện theo định hướng chung.