Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu chi tiết cũng như dẫn các ví dụ liên quan đến chính sách cách tính bảo hiểm xã hội một lần.
Theo thông tư Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội (LĐ,TB-XH) hướng dẫn thi hành luật bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, người lao động tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện sẽ được lựa chọn để được nhận BHXH một lần.
Theo đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để làm căn cứ tính BHXH một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội, Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 20 Thông tư này. Trong trường hợp thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định chưa đủ số năm cuối quy định thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
Người lao động tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện sẽ được lựa chọn để được nhận BHXH một lần.
Mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm được tính bằng 22% mức tiền lương tháng đã đóng BHXH.
Việc tính mức hưởng BHXH một lần được thực hiện như người lao động không được Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH, sau đó trừ đi số tiền nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.
Khi tính mức hưởng BHXH một lần trong trường hợp thời gian đóng có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm, từ 7 tháng đến 11 tháng được tính một năm.
Ví dụ: Ông T có thời gian đóng BHXH là 16 năm 4 tháng (trong đó 10 năm 2 tháng đóng trước ngày 1/1/2014). BHXH một lần của ông T được tính như sau:
– Ông T có 10 năm 2 tháng đóng BHXH trước năm 2014; 2 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014. Như vậy, số tháng đóng để tính BHXH một lần của ông T được tính là 10 năm trước năm 2014 và 6 năm 4 tháng giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 6,5 năm).
Như vậy, mức hưởng BHXH một lần của ông T được tính bằng 28 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.