Mang đến một môi trường làm việc tuyệt vời cho thấy doanh nghiệp thực sự trân trọng nhân viên. Họ sẽ ở lại với doanh nghiệp lâu hơn, cảm thấy gắn kết hơn với nơi làm việc và sẵn sàng giới thiệu doanh nghiệp đến với mọi người. Văn phòng mới của Google tại London sẽ chính thức mở cửa vào năm 2016 nhưng ngay từ bây giờ dân công nghệ thông tin (IT) trên toàn cầu đã kỳ vọng một lần được đặt chân vào nơi được xem là không gian làm việc VIP nhất hành tinh. Vậy chính sách nội bộ giữ chân nhân tài của Google như thế nào?
Theo trang tin Marshable của Anh, nơi đây sẽ bao gồm hồ bơi ngoài trời, sân bóng đá mặt cỏ trong nhà, tường leo núi và cả công viên trên tầng thượng, ngay tại trung tâm London.
Bên cạnh bữa ăn trưa miễn phí nổi tiếng từ lâu của Google, thiết kế mới cho phép nhân viên đạp xe giữa các tòa nhà trong công sở và kết nối trực tiếp với ga xe lửa King’s Cross nhộn nhịp.
Hẳn nhiên, khi ấy những ai làm việc tại Google sẽ được xem là nhân viên hạnh phúc nhất thế giới. Vậy vì sao một công sở xa hoa vào hạng 5 sao lại quan trọng đến Google đến thế?
Vì một lẽ rất bình thường: Google không chỉ muốn tuyển dụng được những cá nhân xuất sắc nhất mà còn muốn giữ chân họ ở lại.
Mang đến một môi trường làm việc tuyệt vời cho thấy doanh nghiệp thực sự trân trọng nhân viên. Họ sẽ ở lại với doanh nghiệp lâu hơn, cảm thấy gắn kết hơn với nơi làm việc và sẵn sàng giới thiệu doanh nghiệp đến với mọi người.
Hẳn nhiên, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có nhiều ngân sách như Google. Nhưng tất cả đều có thể mang đến một cảm giác VIP cho nhân viên của họ với những bước đi đơn giản sau đây.
1. Hỏi thăm nhân viên
Chỉ cần hỏi thăm xem doanh nghiệp có thể làm gì để giúp cải thiện môi trường làm việc cũng có thể giúp nâng cao sự gắn kết của nhân viên, qua đó cải thiện kết quả tuyển dụng và mức độ giữ chân nhân tài.
Tạo ra một diễn đàn gợi ý trực tuyến để mọi người cùng nhau đóng góp ý kiến vào mọi khía cạnh hằng ngày của cuộc sống nơi công sở.
Ngoài ra, thức ăn vặt miễn phí, bàn chơi bóng bàn, khóa học yoga sau giờ làm tại các phòng họp lớn của công ty, chương trình xây dựng đồng đội định kỳ và những sự thay đổi nhỏ khác cũng có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn trong tổ chức, giúp nhân viên cảm thấy họ được trân trọng hơn.
2. Tạo nên bức tường xuất sắc
Dành một khoảng không trong văn phòng để nhấn mạnh và đề cao sự xuất sắc của nhân viên và cho phép nhân viên tự do tuyên dương các đồng nghiệp của mình theo cách thức thú vị nhất.
Rất nhiều công ty như Mars, L’Oréal và Samsung đều có những bức tường tuyên dương đặt trong phòng họp, không ít lần khiến khách hàng hoặc đối tác khi bước vào phải ngạc nhiên và thích thú.
Nhân viên là những thành tố chính tạo nên một tổ chức, vì thế hãy để những câu chuyện, tấm ảnh của họ trở thành tài sản quan trọng, được ca ngợi và nhắc đến nhiều nhất trong công ty. Cũng đừng quên chia sẻ những “bức tường xuất sắc” ấy trên các trang website, mạng xã hội của doanh nghiệp với khách hàng và người theo dõi.
3. Ca ngợi sự thành công
Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng khen thưởng sự thành công giúp nâng cao nhuệ khí làm việc của nhân viên và giúp tạo ra những lời truyền miệng mang tính tích cực về tổ chức, nội bộ lẫn bên ngoài. Điều đó cũng đồng nghĩa với một dịch vụ khách hàng tốt hơn bởi nhân viên biết rằng họ sẽ được tác động ra sao từ hoạt động kinh doanh của toàn tổ chức.
Khen thưởng cho sự thành công không nhất thiết phải đi cùng những món quà giá trị, chỉ cần ca ngợi nhân viên trước toàn thể đồng nghiệp cũng mang đến một ý nghĩa to lớn.
Theo Tony Hsieh, CEO của Zappos.com, thường xuyên khen ngợi những thành tích của nhân viên là một trong những biện pháp động viên tốt nhất để mọi người chủ động lặp lại thành tích cao của mình.
Ngoài ra, mỗi một đồng chi trả cho hóa đơn tiếp đãi nhân viên sau giờ làm việc luôn mang lại lợi nhuận cao gấp ba lần thông qua sự gắn kết của người nhân viên vốn là công cụ tạo dựng sự thành công của Zappos.com.
4. Áp dụng lịch làm việc linh hoạt
Một cách tuyệt vời để tối đa hóa nhuệ khí làm việc, gia tăng năng suất và cải thiện mối quan hệ giữa nhà quản lý và nhân viên chính là lịch biểu làm việc linh hoạt.
Điều này đồng nghĩa với việc mang đến nhiều vị trí làm việc bán thời gian, chia sẻ công việc, làm việc tại nhà, gia tăng số ngày nghỉ phép cho các ông bố bà mẹ.
Thậm chí ngày một nhiều công ty đi xa hơn với chương trình nghỉ phép không hạn chế.
Chẳng hạn, từ tháng 9-2014, Richard Branson đã áp dụng chương trình này đối với toàn bộ nhân viên làm việc tại trụ sở Virgin tại Mỹ và Anh.
Khá bất ngờ, hầu hết nhân viên lại chọn lựa việc nghỉ ít hơn chính sách nghỉ phép thông thường và khi họ quyết định nghỉ phép, đều vì những lý do rất chính đáng.
Nhân viên khi được cấp trên tin tưởng tuyệt đối vào cách thức họ quản lý thời gian làm việc thường tỏ ra trung thành hơn và làm việc cần mẫn hơn.
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn