Văn hóa Huawei: Khi nhân viên sở hữu công ty, ai cũng sẽ làm việc như ông chủ

Năm 2012 Huawei đã vượt doanh thu và lãi ròng so với Ericsson (một công ty hàng đầu về viễn thông và mạng), nhờ vào văn hóa công ty vô cùng ấn tượng.

Năm 2012 Huawei đã vượt doanh thu và lãi ròng so với Ericsson (một công ty hàng đầu về viễn thông và mạng). Xu hướng này tiếp tục trong năm tài chính 2017 khi Huawei đạt mức doanh thu kỷ lục 75,1 tỷ USD và lãi ròng 5,3 tỷ USD.

Hiện nay, Huawei là công ty duy nhất nằm trong  số 91 công ty Trung Quốc có mặt trong danh sách Fortune Global 500  có doanh thu từ nước ngoài nhiều hơn thị trường nội địa. Điều đó xảy ra lần đầu vào năm 2005.

Văn hóa Huawei: Khi nhân viên sở hữu công ty, ai cũng sẽ làm việc như ông chủ

Vậy điều gì đã làm nên thành công của Huawei? Đó chính là văn hóa công ty.

Coi khách hàng là trên hết

Lãnh đạo giỏi mang lại mục đích cho các nhân viên, và Nhậm Chính Phi – thành viên sáng lập – cũng không phải là một ngoại lệ. Mối quan tâm đầu tiên và trên hết của ông là khách hàng. Một ví dụ về thái độ này đến từ những giai đoạn đầu khi công ty mới thành lập. Ở những khu vực xa xôi hẻo lánh và vùng nông thôn, chuột liên tục gặp nhấm dây viễn thông, làm cho chất lượng kết nối của khách hàng bị ảnh hưởng.

Các công ty viễn thông đa quốc gia hoạt động vào lúc đó không coi đây là vấn đề của họ, mà là của khách hàng. Huawei, ngược lại, coi vấn đề về chuột này là việc mà công ty phải giải quyết. Nhờ thế, họ có được kinh nghiệm trong việc chế tạo các loại thiết bị và vật liệu bền chắc hơn – như dây chống gặm nhấm – và điều đó sau này đã giúp họ rất nhiều trong việc giành được các khách hàng lớn ở Trung Đông, nơi vấn đề tương tự đang làm đau đầu các công ty đa quốc gia khác.

Sự tận tâm của nhân viên

Văn hóa công ty Huawei nhấn mạnh rằng cách duy nhất để có được cơ hội là nhờ chăm chỉ làm việc. Trong những năm đầu, mỗi nhân viên mới đều được phát cho một bộ chăn đệm vì nhiều người sẵn sàng làm việc đến đêm, sau đó ngủ tại văn phòng, hoặc ngủ trưa vào ngày hôm sau.

Tuy nhiên cách Huawei cổ vũ sự tận tâm và làm cho tinh thần đó được các nhân viên chấp nhận lại khá khó khăn. Họ làm điều đó một phần bằng hệ thống trả thưởng. Huawei không phải là một công ty cổ phần đại chúng, và trên thực tế nó thuộc sở hữu của các nhân viên. Cổ phần của Nhậm Chính Phi chỉ chiếm gần 1,4% và 82.471 nhân viên nắm phần còn lại. Hình thức cam kết này được Huawei gọi là “còng tay bạc” được Nhậm đặt ra với mục đích chia sẻ cả trách nhiệm và quyền lợi với các đồng nghiệp. Ông muốn mọi người đều hành động và làm việc như ông chủ.

Toàn công ty đều tin rằng nếu chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) sẽ chỉ giúp cho một số người giàu lên mà thôi, còn lại đa phần sẽ mất đi động lực. Nhậm Chính Phi nhấn mạnh rằng tránh con đường IPO và tuân theo cơ cấu sở hữu thuộc về nhân viên hiện nay là yếu tố giúp công ty duy trì một tinh thần đấu tranh vì tập thể mạnh mẽ.

Tư duy dài hạn

Cơ chế sở hữu bởi nhân viên không chỉ giúp Huawei hấp dẫn và giữ chân được các nhân viên mà còn cho phép công ty lập kế hoạch dài hạn. Huawei lập kế hoạch phát triển của công ty theo thập niên, trong khi hầu hết các đối thủ cạnh tranh như Ericsson và Motorola lập kế hoạch theo quý hoặc theo năm. Hình thức sở hữu tư nhân cũng cho phép Huawei thực hiện các kế hoạch 10 năm của mình, trong khi các đối thủ phải vật lộn để chạy theo những biến động ngắn hạn của thị trường vốn.

Quy trình ra quyết định tuần tự

Văn hóa Huawei: Khi nhân viên sở hữu công ty, ai cũng sẽ làm việc như ông chủ

Nhậm Chính Phi luôn tránh đưa ra các quyết định quá nhanh và buộc mình phải dành thời gian để suy ngẫm. Công ty của ông cũng vậy. Một lần nữa, cơ chế sở hữu của họ cho phép họ kiểm soát được quyền ra quyết định . Không một nhà đầu tư bên ngoài nào có được quyền kiểm soát tương đối ở Huawei, nhờ thế họ thoải mái hơn, ít chịu áp lực từ thị trường hơn để có thể xem xét các bước đi tiếp theo. Hệ thống xoay vòng các CEO cũng cho phép thực hiện quy trình ra quyết định dân chủ hơn. Nó còn giúp Nhậm quyết định thật kỹ về người kế nhiệm mình.

Huawei cũng nhấn mạnh vào cái mà họ gọi là “sức mạnh tư duy.” Triết lý của công ty là thứ có giá trị nhất chính là sức mạnh tư duy. Chẳng hạn, họ nỗ lực để đảm bảo rằng việc trao đổi tri thức diễn ra như một quy trình đều đặn. Các nhân viên điều hành cấp cao buộc phải đọc sách bên ngoài lĩnh vực của mình và các cuốn sách đó phải được đặt tại văn phòng của họ.

Ngoài ra, các ý tưởng cũng được trao đổi thường xuyên giữa các nhân viên với các nhà quản lý cũng như chính Nhậm Chính Phi. Tuy nhiên, điều quan trọng là các phản hồi luôn được hoan nghênh trong văn hóa công ty để cải thiện các ý tưởng đó, và nhờ thế tạo ra một tầm nhìn tương lai tươi sáng nhất cho công ty.