Thường xuyên đăng những dòng trạng thái than thở hay nhờ đến sự trợ giúp từ các group tìm việc làm là cách mà một số nhà tuyển dụng thường dùng đến khi số lượng ứng viên không đủ chỉ tiêu cấp trên giao phó. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng nguồn gốc của vấn đề có thể xuất phát từ bản mô tả công việc.
Nếu bản mô tả công việc bạn soạn thảo mắc phải 6 lỗi dưới đây thì dù bạn có đăng tuyển hết lần này đến lần khác, kết quả cũng vẫn chỉ là nhận được “lèo tèo” vài ba bộ hồ sơ ứng tuyển.
1. Nội dung không rõ ràng
Nhà tuyển dụng thường có thói quen khái quát hóa nội dung của bản mô tả công việc, đây là lỗi cần tránh vì có thể gây ra những hiểu lầm không đáng có cho ứng viên.
Chẳng hạn: nếu muốn tìm một ứng viên sáng giá cho vị trí Sales Admin, bạn hãy chỉ tập trung vào Excel chứ đừng viết kiểu chung chung như “Biết sử dụng vi tính văn phòng”. Nếu không, những người chỉ giỏi làm việc trên Word cũng lầm tưởng mà ứng tuyển, điều này gây ra sự bất mãn không hề nhẹ một khi họ bị từ chối trong vòng phỏng vấn chỉ vì kỹ năng sử dụng Excel không như mong đợi. Danh tiếng của công ty cũng phần nào bị ảnh hưởng.
2. Quá sơ sài
Chỉ viết ngắn gọn đôi ba dòng nhằm kích thích sự tò mò của ứng viên là suy nghĩ của rất nhiều nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn có nghĩ rằng điều này sẽ khiến cho ứng viên không hình dung được công việc mình phải làm hay tệ hơn nữa, họ sẽ nghĩ nhà tuyển dụng đang có dấu hiệu lừa đảo?
Một bản mô tả công việc chuẩn cần đáp ứng tối thiểu những thông tin sau đây:
– Tên vị trí cần tuyển
– Tóm tắt các nhiệm vụ chính của công việc
– Liệt kê các yêu cầu về kinh nghiệm, kỹ năng
– Lương và phúc lợi
– Thông tin người liên hệ
Nếu đọc xong bản mô tả công việc mà ứng viên vẫn còn mơ hồ và đặt nhiều dấu chấm hỏi, điều đó đồng nghĩa rằng những nội dung bạn viết chưa thật sự hoàn thiện, bạn cần chỉnh sửa sao cho rõ ràng và khoa học hơn.
3. Quá dài
Khi bạn đang tìm việc và nhìn thấy một tin tuyển dụng dài 2-3 trang giấy thì bạn sẽ phản ứng như thế nào?
Hơn 90% người được hỏi đã khẳng định rằng họ sẽ lướt qua ngay lập tức. Dù chưa biết lương và các chế độ đãi ngộ như thế nào nhưng họ cảm thấy choáng ngợp và “phát hoảng” khi nhìn thấy chi chít những gạch đầu dòng.
Vậy nên, để bản mô tả công việc thu hút được sự chú ý của ứng viên, hãy cố gắng trình bày ngắn gọn nhưng đầy đủ các thông tin quan trọng. Đối với những nội dung không thật sự cần thiết, bạn có thể phổ biến thêm cho ứng viên trong vòng phỏng vấn.
4. Thông tin không chính xác
Đừng cố phóng đại vai trò của công việc hoặc đơn giản hóa các nhiệm vụ, hãy cho ứng viên cái nhìn khách quan về mức độ khó, dễ khi đảm nhận vị trí. Đừng khiến họ đặt kỳ vọng quá cao để rồi lại thất vọng tràn trề khi tìm hiểu sâu về công việc.
5. Có tính phân biệt
Hãy chú ý cách bạn dùng từ khi viết bản mô tả công việc vì chỉ cần một chút thiếu tinh tế, bạn có thể khiến ứng viên cảm thấy không được tôn trọng. Chẳng hạn: nếu bạn dùng từ “Thư ký Giám đốc” thì vị trí này sẽ được mặc định là dành riêng cho nữ giới, trong khi đó, nếu sử dụng từ “Trợ lý Giám đốc” thì cả nam và nữ đều có thể ứng tuyển được.
Không ứng viên nào muốn bị phân biệt đối xử và mất đi cơ hội, họ luôn mong muốn nhà tuyển dụng đánh giá công bằng dựa trên năng lực chứ không phải là giới tính.
6. Văn phong thể hiện sự tiêu cực
Là một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, hãy thể hiện thái độ trung lập khi viết bản mô tả công việc, đừng khiến ứng viên có cảm giác như bị “tát nước vào mặt” sau khi đọc những gì bạn viết.
Ví dụ: Khi bạn đã xác định chỉ chọn những người có kinh nghiệm 7 năm trở lên cho vị trí Sales Manager, những ứng viên không đáp ứng được điều kiện này sẽ không được xem xét phỏng vấn thì bạn có thể ghi chú thêm một dòng cuối bản mô tả công việc “Vì thời gian có hạn nên chúng tôi chỉ liên hệ với ứng viên được chọn”. Đừng chọn cách diễn đạt tiêu cực như “Những hồ sơ nào không có đủ 7 năm kinh nghiệm sẽ bị loại ngay lập tức”
Bản mô tả công việc thể hiện phần nào tính cách, năng lực của nhà tuyển dụng và thương hiệu của công ty. Là người đóng vai trò chủ đạo trong việc tìm kiếm nhân tài, bạn tuyệt đối không được làm việc cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Hãy trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật những xu hướng tuyển dụng mới nhất và đừng quên bắt tay vào hoàn thiện bản mô tả công việc “triệu like”.