Yếu tố quyết định sự phát triển thịnh vượng và bền vững của doanh nghiệp chính là con người.
Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp đều dùng những chỉ số như doanh thu, chi phí, lợi nhuận, đồng thời cố gắng ứng dụng các thiết bị khoa học – công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nhưng có một nhân tố quan trọng mà doanh nghiệp vô tình hay cố tình bỏ quên đó là con người.
Theo nghiên cứu về các yếu tố làm nên sự thành công của một công ty thì con người quyết định 90%, còn chiến lược chỉ chiếm 10%. Vì thế để doanh nghiệp phát triển mạnh hãy bắt đầu từ chiến lược nhân sự.
Yếu tố con người là những gì thu hút mọi người lại với nhau, cho dù họ là bạn, là đối thủ hay là đối tác. Suy cho cùng, xây dựng một tình bạn chân chính hay là một mối quan hệ doanh nghiệp lâu bền không khác nhau là mấy. Cả hai đều phải là mối quan hệ được dựa trên sự minh bạch và tin tưởng lẫn nhau và hai yếu tố này phải luôn đứng bên cạnh nhau.
Yếu tố con người trong quản lý nội bộ của từ các doanh nghiệp Nhật
Mặc dù các doanh nghiệp Nhật Bản ứng dụng rất nhiều các thiết bị khoa học – công nghệ hiện đại, nhưng đối với họ, yếu tố quyết định sự phát triển thịnh vượng và bền vững của doanh nghiệp lại chính là con người.
Đại đa phần doanh nghiệp Nhật Bản đều có một điểm chung về triết lý kinh doanh tập trung đầu tư và quản lý con người, nhấn mạnh 4 quy trình: Chia sẻ/đồng cảm triết lý với nhân viên (tại sao chúng ta làm việc? tại sao chúng ta sống?); chia sẻ tình hình hiện hành của công ty với nhân viên, làm rõ mục tiêu, phân công vai trò; khuyến khích những nhân viên có ý thức tự lập cao; đánh giá đúng những nhân viên có ý thức cao.
Quan điểm các nhà quản lý người Nhật cho rằng: yếu tố quan trọng nhất là “con người”. Yếu tố thuyết phục con người phải được hiểu là động cơ chứ không phải là mệnh lệnh. Người quản lý nếu chỉ tự mình làm thì không thể hoàn thành công việc được mà cần phải có sự hỗ trợ của nhân viên. Nhưng việc người quản lý có thể làm là chia sẻ thông tin, tức là phân quyền và giao việc để nhân viên được thể hiện sự sáng tạo và cống hiến một cách cao nhất.
Theo các công ty Nhật Bản, chia sẻ thông tin đạt được kết quả mong muốn khi đảm bảo được 3 yếu tố: Khái niệm cụ thể, phân công vai trò rõ ràng và làm rõ mục tiêu. Vì thế, trong các công ty Nhật Bản, từ nhân viên đến lãnh đạo đều rõ nhiệm vụ và vai trò của mình. Trong khi câu trả lời phổ biến của nhân viên trong phần đông các công ty Việt Nam khi được hỏi “mục tiêu của công là gì?” đều là “không biết đâu, chỉ cần nhận tiền là đủ” nhưng hiện tượng này rất hiếm xảy ra trong các công ty Nhật.
Rõ ràng, chiến lược tập trung đào tạo con người trong các công ty Nhật đã đem lại thành công rất lớn cho họ. Đây là thời đại đòi hỏi công ty cần phải có biện pháp làm thay đổi ý thức của nhân viên trong công ty, nên việc chia sẻ thông tin, lợi ích, trách nhiệm với nhân viên là một chính sách khôn ngoan, “trên dưới hợp lòng”.
Ngoài nội bộ, các yếu tố liên quan đến con người khác cũng cần được doanh nghiệp chú trọng. Dưới đây là 4 lời khuyên thực sự có giá trị nhằm đề cao yếu tố con người trong quản trị – kinh doanh:
1. Thể hiện tính cách cá nhân
Mọi người đều kết nối với người khác, vì vậy không có lý do gì để họ che dấu cá tính của mình. Cá tính là những gì làm cho mỗi cá nhân trở nên độc đáo và thu hút, nó cũng thường tự làm mới với sự thay đổi của hoàn cảnh theo thời gian. Một doanh nhân muốn thu hút nhà đầu tư, nhân viên cũng như khách hàng ngay từ lần đầu tiên, họ phải thực sự có cá tính đặc biệt.
Lời khuyên ở đây là đừng ngần ngại thể hiện tính cách cá nhân của mình. Một doanh nhân càng cần phải làm như vậy hơn nữa, vì bạn cũng là một tấm gương để nhân viên mình làm theo. Thể hiện tính cách cá nhân ở đây không phải là phô trương, mà là tự tin với những gì mình thực sự có, tài năng của mình và biết rõ mình đang ở đâu.
2. Đối xử với khách hàng như đối với chính gia đình mình
Liên kết giữa những người thân trong gia đình hoặc bạn bè là rất mạnh mẽ, nhưng giữa doanh nghiệp với khách hàng thường được xem là mối quan hệ tương tác “vô cảm” và tính toán. Khách hàng thì không muốn mối quan hệ như vậy, nếu họ cảm nhận được sự khác biệt trong cách đối xử của doanh nghiệp với mình, họ sẽ chú ý nhiều hơn. Đặc biệt, khách hàng khi mua hàng không chỉ dựa vào chất lượng hay giá cả mà chủ yếu dựa vào cảm tính, nếu muốn có được thiện cảm với họ, doanh nghiệp phải coi họ như những thành viên trong gia đình, làm sao để cả hai cũng đạt được lợi ích cao nhất.
Hãy để khách hàng thấy được bạn là ai và nếu bạn có lỗi, hãy cởi mở và trung thực về nó. Đây là một lời nhắc nhở rằng sự trung thực là chìa khóa cho bất kỳ mối quan hệ nào và nên có cách trung thực khéo léo để tránh phật lòng bất kỳ ai. Quan trọng hơn, khách hàng cũng là những con người, cho họ thấy cách bạn chăm sóc họ, khiêm tốn như thế nào, họ sẽ đáp lại bạn một cách xứng đáng.
3. Nhấn mạnh giá trị con người
Để trở thành một doanh nghiệp thực sự thành công, những nhân viên trong doanh nghiệp đó phải được nhấn mạnh về các giá trị của con người như sự trung thực, cá tính và sự khiêm nhường. Cách để đảm bảo nhân viên của công ty có được những yếu tố trên là xem xét kỹ lưỡng yếu tố đạo đức trong các báo cáo công việc, tuân thủ các quy tắc đạo đức hoặc đưa ra các chương trình đạo tạo thiên về đạo đức hơn…
Một nhân viên dù có tài năng đến đâu, giá trị đạo đức của họ không phù hợp thì cũng không thể làm việc với những nhân viên khác trong doanh nghiệp được. Đặc biệt, một người lãnh đạo khi chọn nhân viên nên chọn những người có thể bổ sung cho mình những yếu tố khiếm khuyết và thực sự đam mê công việc, chứ không phải một người tài năng nhưng lại tự cao không nghe lời khuyên của bất cứ ai.
4. Lấy con người đánh giá thành công kinh doanh
Một khi đã thiết lập doanh nghiệp lấy con người làm trung tâm. Thành công của doanh nghiệp đó sẽ bắt nguồn từ chính thành công của mỗi con người trong đó. Nhấn mạnh yếu tố con người, doanh nghiệp đó sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc mở rộng quy mô. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây chính là doanh nghiệp có những người thực sự đam mê và gắn bó lâu dài với nhau. Người chứ không phải là công nghệ, nên không thể nhanh chóng mở rộng quy mô được, nhưng về lâu dài, hiệu quả của doanh nghiệp là cao hơn.
Các phương tiện truyền thông đại chúng cho phép doanh nghiệp kết nối với hàng loạt khách hàng một cách đơn giản và nhanh chóng, nhưng lại không giúp nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt. Vì thế, con người sẽ là yếu tố cần thiết để gắn kết lòng trung thành của khách hàng và tuyên truyền về sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.