Người lãnh đạo và 3 yếu tố cần truyền cảm hứng

Để doanh nghiệp (DN) phát triển trường tồn, người lãnh đạo cần 3 yếu tố: khát vọng cháy bỏng, ám ảnh khách hàng và tư duy người chủ. Đây là những yếu tố tiên quyết mà các lãnh đạo DN cần phải thấm nhuần và phải chia sẻ, truyền cảm hứng được cho cấp dưới. Cả thế giới và Việt Nam đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang tên “cách mạng số”.
Cuộc cách mạng này đang diễn ra rất nhanh và làm thay đổi toàn diện diện mạo, tư duy người chủ, người làm thuê và cả cách làm việc trước đây của con người. Trong đó, công nghệ, máy móc sẽ phát triển đến mức “máy như người” khi có đầy đủ sự linh hoạt, sự thấu hiểu nhu cầu của từng cá nhân để cho ra các sản phẩm thích hợp cho từng cá thể.

Một chiếc áo sẽ được làm ra để cho chính một cá nhân đó với đầy đủ sự thấu hiểu về kích cỡ, sở thích màu sắc, chất vải. Chính bước chuyển từ “cũ lên mới” này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho các DN Việt Nam vươn lên, đặc biệt là cơ hội cho ngành công nghệ thông tin vươn lên thay đổi thứ hạng trên thế giới.

Để nắm bắt được cơ hội này, DN phải thức thời, thay đổi từ cách nghĩ, cách làm đến thời gian hành động. Bởi, tốc độ là thế giới của tương lai, thay đổi là mệnh lệnh của thời gian. Vì thế, DN phải tiến hành thay đổi như một nghệ thuật và mọi hành động phải bằng thời gian thực.

w620h405f1c1-files-articles-2016-1100764-tu-duy-nguoi-chu-out

Ngoài ra, để tồn tại và phát triển, DN phải tạo ra được mạng lưới liên kết. Chẳng hạn, một người chủ xe quyết định gia nhập vào đội ngũ lái xe của các hãng taxi, chấp nhận ăn chia theo phần trăm vì họ không có liên kết với ngành nghề, không có khả năng tự tìm ra khách, không có thương hiệu. Vì thế, tạo ra mô thức kinh doanh mới là chìa khóa thành công bên cạnh vốn, kinh nghiệm.

Dù là một công ty khởi nghiệp hay đã phát triển, trong thời đại này, để DN phát triển trường tồn, người lãnh đạo cần có 3 yếu tố: khát vọng cháy bỏng, ám ảnh khách hàng và tư duy người chủ.

Đây là những yếu tố tiên quyết mà không những người lãnh đạo DN cần phải nắm vững, thấm nhuần, mà phải chia sẻ, truyền cảm hứng được cho cấp dưới để họ thực hiện được sứ mệnh của công ty, chia sẻ sứ mệnh ấy đến cộng đồng qua các sản phẩm, dịch vụ do công ty cung cấp.

Một cá nhân khi khởi nghiệp hay đứng trước một suy nghĩ về sự thay đổi hãy tự hỏi “sứ mệnh lập ra công ty là gì?”, “sứ mệnh đó đã trở thành khát vọng hay chưa?”. Nếu có, hãy thực hiện. Nếu không, không nên làm vì khi gặp khó khăn sẽ từ bỏ.

Khi khát vọng cháy bỏng, tự DN sẽ định hình được hướng đi tiếp theo, tìm ra câu trả lời phải làm gì để phù hợp nhất. Khát vọng sẽ thay đổi theo thời gian nhưng nếu có đam mê sẽ tạo ra cảm hứng và cảm hứng sẽ tạo động lực để phấn đấu. Điều quan trọng nhất là những người khởi nghiệp phải hiểu mình đam mê điều gì?

Yếu tố thứ hai không kém quan trọng là ám ảnh khách hàng. Chỉ “yêu nhau” mới ám ảnh được nhau. Khi bị ám ảnh bởi khách hàng, chúng ta sẽ hiểu rõ được khách hàng và biết mình muốn làm gì cho khách hàng. Một nhân viên càng ám ảnh khách hàng bao nhiêu thì càng phục vụ khách hàng tốt hơn với thái độ tận tâm. Ám ảnh khách hàng sẽ giúp DN tạo ra điều khác biệt chỉ có của riêng mình.

Nếu như hai yếu tố đầu khá đơn giản để truyền cho đội ngũ nhân viên thì “tư duy người chủ” lại là thứ khó tạo cảm hứng nhất. Bởi lẽ, không phải ai cũng sẵn sàng coi đồng nghiệp là người thân và xem công việc đang làm là một phần việc “làm cho gia đình”. Nếu lãnh đạo không quản trị tốt được điều này, khi công ty phát triển đến một mức độ nào đó sẽ rất khó để kiểm soát.

Tư duy làm chủ cần phải thay đổi so với trước đây. Người làm chủ phải tin vào bộ máy của công ty và phải tìm được những nhân viên có tư duy làm chủ. Những nhân viên này phải thấu hiểu và đồng cảm với sứ mệnh công ty, có chung ám ảnh khách hàng, để từ đó tạo ra những nhóm đồng nhất.

Cơ chế kiểm soát phải tạo ra sự thoải mái, trao quyền nhưng có sự kiểm soát thông minh. Cơ chế hậu kiểm là một cơ chế hay, linh hoạt, được hầu hết DN nước ngoài áp dụng. Nên trao quyền nhiều nhất ở bộ phận tiếp xúc với khách hàng.

Bí quyết kinh doanh thành công của FPT là không rời xa khách hàng. Hãy luôn hỏi khách hàng một cách ngẫu nhiên, nhẹ nhàng, cởi mở như trò chuyện thật nhiều câu hỏi với khách hàng của bạn chứ đừng làm ra các bộ câu hỏi rườm rà, cứng nhắc như đi nghiên cứu thị trường.

Các DN thường quan tâm đến đối thủ, cạnh tranh, coi đó là nỗi sợ hãi…, nhưng thay vào đó hãy nghiên cứu xem đối thủ có đối xử với khách hàng tốt hơn mình hay không, đội quân bán hàng có thật lòng quan tâm đến khách hàng của họ.

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn