MÔ HÌNH ADDIE – PHƯƠNG PHÁP TỐI ƯU TRONG THIẾT KẾ ĐÀO TẠO

Từ khi ra đời đến nay, mô hình ADDIE đã nhanh chóng phát triển trở thành khung tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến trong đào tạo và thiết kế chương trình giảng dạy. Với những ai có dự định trở thành trainer – hoặc đã công tác lâu năm ở vị trí giảng viên – việc tìm hiểu về khung thiết kế hệ thống hướng dẫn này sẽ đặt nền tảng giúp bạn hệ thống hóa kiến thức và nâng tầm kỹ năng truyền đạt giảng dạy. 

Mô hình ADDIE là gì? 

Mô hình ADDIE là mô hình khung thường được các chuyên gia sử dụng trong thiết kế và phát triển chương trình đào tạo. 

ADDIE là tên viết tắt của 5 giai đoạn trong quy trình, bao gồm: 

  • Phân tích (Analysis) 
  • Thiết kế (Design)
  • Phát triển (Development)
  • Thực hiện (Implementation)
  • Đánh giá (Evaluation)
Mô hình ADDIE là gì?
Mô hình ADDIE là gì?

Hầu hết các phương pháp thiết kế giảng dạy hiện nay đều lấy cơ sở từ ADDIE. Theo các chuyên gia, công thức ADDIE được cho là nguồn cảm hứng dẫn tới sự ra đời của kỹ thuật tạo mẫu nhanh trong đào tạo và tư duy thiết kế. 

Việc ứng dụng mô hình ADDIE đã được chứng minh góp phần tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong hoạt động training – qua việc giúp phát hiện và điều chỉnh các vấn đề bất cập từ sớm. 

Dựa trên cơ sở các lý thuyết như thuyết hành vi (behaviorism), thuyết kiến tạo (constructivism), học tập xã hội (social learning) và nhận thức (cognitivism), trainer sẽ có thể xây dựng bộ tài liệu giảng dạy một cách hiệu quả nhất.

Nguồn gốc của mô hình đào tạo ADDIE 

Khái niệm Thiết kế giảng dạy ( Instructional Design) xuất hiện lần đầu vào thập niên 1950. Nhưng phải đến năm 1975, ý tưởng về ADDIE mới chính thức ra đời. Ban đầu, mô hình được Trung tâm Công nghệ Giáo dục tại Đại học Bang Florida phát triển cho Quân đội Hoa Kỳ – trước khi được triển khai trên toàn bộ các chi nhánh của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ. ADDIE được xây dựng trên nền tảng Phương pháp tiếp cận năm bước (Five Step Approach) – phát triển bởi Không quân Hoa Kỳ. 

Do cấu trúc phân cấp từng bước, việc thực hiện quy trình phải tuân thủ theo thứ tự tuyến tính – hoàn thành một giai đoạn trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo. 

Mô hình ADDIE dùng để làm gì? 

Công thức ADDIE 5 bước được ứng dụng phổ biến trong hoạt động thiết kế chương trình đào tạo, bộ tài liệu học tập, khóa học E Learning và học tập kết hợp (Blended learning). Bắt đầu với bước phân tích tổng quan (analyze), trainer sẽ lần lượt đi theo các bước thiết kế (design), phát triển (develop), thực hiện (implement) và đánh giá (evaluate) chương trình học tập.

Từ khi ra đời đến nay, ADDIE đã phát triển trở thành một trong những mô hình đào tạo phổ biến nhất. Hiệu quả của nó đã được chứng minh trên thực tế nhiều chương trình training – cả trong lẫn ngoài phạm vi doanh nghiệp.

Vai trò của mô hình ADDIE
Vai trò của mô hình ADDIE

Ưu – nhược điểm của mô hình ADDIE trong đào tạo 

Ưu điểm: 

  • Công thức được ứng dụng phổ biến và chấp nhận rộng rãi. 
  • Đã được chứng minh về hiệu quả trong quá trình học tập. 
  • Là nền tảng cho nhiều mô hình học tập khác. 
  • Dễ dàng trong việc đo lường thời gian và chi phí bỏ ra. 

Nhược điểm: 

  • Quy trình tuyến tính – phải tuân thủ theo trình tự lần lượt 5 bước. 
  • Tốn nhiều thời gian và chi phí. 
  • Có thể khiến trainer thiếu linh hoạt trong việc thích ứng với những thay đổi bất ngờ của dự án đào tạo. 
  • Không cho phép thiết kế lặp (iterative design). 

Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia đã đề xuất và thực hiện một số sửa đổi với các giai đoạn trong quy trình – để mô hình trở nên tương tác và phù hợp với thời đại hơn.

5 giai đoạn của mô hình đào tạo ADDIE 

Công thức ADDIE được cấu thành theo quy trình 5 bước như sau: 

1. Phân tích (Analysis) 

Giai đoạn Phân tích có thể xem như bước “Thiết lập Mục tiêu” (Goal setting). Trọng tâm chính trong giai đoạn này là đối tượng đào tạo – cụ thể, trainer cần đảm bảo nội dung chương trình phù hợp với kỹ năng và năng lực tư duy của học viên. Ngoài ra, cũng cần chú ý tránh lặp lại những gì học viên đã biết – mà cần hướng đến các chủ đề và bài học mới la với họ. 

Trong bước này, giảng viên cần xác định rõ năng lực hiện tại của học viên, kỳ vọng về kiến thức mới có được sau khi hoàn thành khóa học, mục tiêu giảng dạy và môi trường học tập để hỗ trợ đạt được mục tiêu đó. 

  • Để làm được điều này, trainer sẽ phải trả lời một số câu hỏi sau đây: 
  • Đối tượng học viên là ai? Họ có đặc điểm gì? 
  • Thay đổi về hành vi được kỳ vọng là gì? 
  • Có những vấn đề nào cản trở quá trình học tập? 
  • Có thể sử dụng các phương pháp giảng dạy nào? 
  • Có những lưu ý nào về đào tạo trực tuyến? 
  • Thời hạn hoàn thành dự án là bao lâu? v.v… 

2. Thiết kế (Design) 

Các trọng tâm của giai đoạn Thiết kế (Design) bao gồm mục tiêu học tập, công cụ đánh giá, bài tập, nội dung, phân tích chủ đề, lập kế hoạch bài học và lựa chọn phương tiện truyền thông. Để thực hiện tốt bước này, trainer cần có phương pháp tiếp cận hệ thống (systematic) – qua việc xác định, phát triển và đánh giá một hệ thống chiến lược nhằm đạt được mục tiêu của dự án. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo cụ thể (specific) nhất có thể về từng chi tiết của kế hoạch thiết kế giảng dạy. 

Các bước quan trọng trong giai đoạn Thiết kế có thể kể đến như: 

  • Chuẩn bị tài liệu về chiến lược thiết kế hướng dẫn và Khung kiến thức nội dung sư phạm Công nghệ (Technological pedagogical content knowledge – còn được biết đến với tên gọi mô hình Tpack). 
  • Áp dụng phương pháp hướng dẫn dựa trên thay đổi hành vi dự kiến (về phương diện nhận thức, tình cảm hay tâm lý). 
  • Tạo bảng phân cảnh (storyboard). 
  • Thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng. 
  • Xây dựng nguyên mẫu (Prototype). 
  • Áp dụng thiết kế trực quan (visual design). 

3. Phát triển (Development) 

Ở giai đoạn Phát triển (Development), chuyên gia đào tạo sẽ tập hợp và sắp xếp lại các nội dung đã được chuẩn bị từ bước Thiết kế – nhằm phát hiện các vấn đề bất cập và/ hoặc tích hợp các kỹ thuật và công nghệ cần thiết. Dự án được đánh giá và điều chỉnh dựa trên phản hồi của mọi người. 

Quá trình Phát triển hướng đến việc xác định và đánh giá kết quả học tập dự kiến – bằng cách trả lời các câu hỏi như: 

  • Công tác chuẩn bị tài liệu có đang đảm bảo đạt đúng tiến độ thời gian đề ra không?
  • Hoạt động đào tạo có tạo điều kiện phát triển kỹ năng làm việc nhóm giữa các thành viên không? 
  • Những người tham gia training có đóng góp theo năng lực tối ưu của họ không? 
  • Các tài liệu học tập có đáp ứng được mục đích kỳ vọng không? 
  • v.v.. 

4. Thực hiện (Implementation) 

Trong giai đoạn Thực hiện (Implementation), giảng viên cần liên tục điều chỉnh nội dung chương trình training – nhằm đảm bảo hiệu quả tối đa và tích cực nhất. Nội dung chính của bước này là xây dựng quy trình đào tạo chi tiết giữa giảng viên và học viên – bao gồm chương trình học, kết quả học tập, phương pháp phân phối cùng các hoạt động kiểm tra và đánh giá. 

Sau đây là một số hoạt động quan trọng trainer cần làm trong giai đoạn Thực hiện: 

  • Tư vấn về phương pháp lưu trữ tài liệu học tập, cũng như dữ liệu thực tế mà bạn muốn khai thác từ kinh nghiệm của học viên khi tham gia vào dự án. 
  • Tìm hiểu phản ứng của học viên đối với bạn trong quá trình trình triển khai ban đầu của dự án. Họ có thực sự quan tâm, háo hức với nội dung đào tạo không – hay thái độ của họ là chỉ trích và bất hợp tác? 
  • Theo dõi tiến độ quá trình học tập. Học viên của bạn có hiểu được nội dung truyền tải không – hay họ cần đến sự trợ giúp của bạn? 
  • Xác định phương hướng xử lý với các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Phản ứng của bạn sẽ ra sao nếu sau khi trình bày các hoạt động với học viên, mọi thứ lại không diễn ra như kế hoạch? 
  • Chuẩn bị chiến lược dự phòng trong trường hợp dự án ban đầu thất bại, hoặc nảy sinh một số trục trặc kỹ thuật hay các vấn đề khác. 
  • Đánh giá quy mô thực hiện dự án. Chương trình đào tạo sẽ tổ chức ở quy mô nhỏ hay lớn – cụ thể như thế nào? 
  • v.v… 

5. Đánh giá (Evaluation) 

Giai đoạn cuối cùng của mô hình ADDIE là Đánh giá (Evaluation). Đây là lúc dự án cần được phân tích tỉ mỉ về những gì đã hoàn thành, quá trình thực hiện, vì sao dự án thành công/ không thành công… Mục tiêu chính ở đây là xác định xem các mục tiêu của chương trình đào tạo đã đạt được hay chưa – và cần điều chỉnh hay làm những gì để nâng cao hiệu quả và tỷ lệ thành công của dự án trong tương lai. 

Công tác đánh giá bao gồm hai thành phần chính: 

  • Đánh giá quá trình ( Formative) – được thực hiện thường xuyên xuyên suốt quá trình giảng dạy. 
  • Đánh giá tổng kết ( Summative) – thực hiện trên cơ sở một bài kiểm tra nhằm đánh giá hiệu suất cuối cùng đạt được, cũng như nhằm thu thập phản hồi từ người tham gia về nội dung chương trình. 

Mặc dù thường bị bỏ qua do hạn chế về thời gian và nguồn lực, Đánh giá là một bước không thể thiếu của mô hình ADDIE, qua việc giúp trainer: 

  • Xác định các hạng mục và tiêu chí cần thiết để đánh giá hiệu quả của dự án (vd: cập nhật kiến thức, truyền cảm hứng học tập, v.v…) 
  • Xây dựng phương pháp thu thập dữ liệu và thời gian thực hiện. 
  • Xây dựng hệ thống phân tích phản hồi của người tham gia. 
  • Lựa chọn phương pháp xử lý – trong trường hợp một số phần của dự án cần được thay đổi trước khi thực hiện. 
  • Xác định phương pháp đánh giá độ tin cậy và phù hợp của nội dung đào tạo. 
  • Nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất của phương pháp truyền giảng. 
  • Xác định phương pháp phân tích phản ứng của những người tham gia dự án. 
  • v.v….

Đào tạo trực tuyến cùng VnResource: https://vnresource.vn/giai-phap/giai-phap-dao-tao-truc-tuyen-e-learning-pro/