Giữ chân nhân tài – nghe khó mà làm dễ

Là nhà tuyển dụng, chắc hẳn bạn là người hiểu rõ nhất sự tổn thất to lớn mà công ty phải gánh chịu khi có một nhân tài rời đi. Ngoài ra, hành trình tìm kiếm và đào tạo một nhân viên để bù khuyết cũng gây tổn thất không ít chi phí và thời gian.

Vì vậy, giữ chân người tài luôn là bài toán lớn của mỗi doanh nghiệp. Nhưng công cuộc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn ghi nhớ những bí quyết sau.

Luôn tôn trọng những cộng sự của bạn.

Đây là một trong những nhân tố quyết định trong “cuộc chiến nhân tài” của bạn. Khi bạn ứng xử với những nhân viên của mình một cách chuyên nghiệp và chân thành, họ sẽ có thêm động lực để đóng góp nhiều hơn cho công việc. Hơn thế nữa, đây cũng là cách bạn xây dựng hình tượng “người quản lý mẫu mực” trong lòng cấp dưới.

Nếu nhân viên không cảm thấy mình được tôn trọng khi làm việc thì dù họ có thích công việc hay lương có cao đến mấy cũng không thể giữ chân họ. Tệ hơn, một vài người sẽ còn tìm cách “trả đũa” công ty nếu họ buộc phải rời đi vì sự xúc phạm nào đó.

Hãy là một vị sếp có EQ cao

Để cải thiện “lòng trung thành” của nhân viên với doanh nghiệp thì người quản lý “có tâm” cũng là một nhân tố quan trọng.

Sẽ chẳng có “nhân tài” nào còn hứng thú làm việc dưới trướng một “sếp” độc đoán, thiếu tinh tế. Nếu người quản lý chỉ chú trọng vào kết quả kinh doanh rồi lơ là với những vấn đề thuộc về văn hóa doanh nghiệp thì sớm muộn cũng xảy ra tình trạng nhân viên đồng loạt ra đi. Bởi họ không còn thấy rằng mình đang “được làm việc” và sự đồng điệu trong văn phòng đã không còn tồn tại.

Lắng nghe và thấu hiểu

“Khi bạn nói, bạn đơn thuần lặp lại những thứ mình biết. Khi bạn lắng nghe, biết đâu bạn sẽ học nhiều điều mình chưa từng trải qua.”

Là quản lý, bạn có cơ hội được đứng trên cao và có tầm nhìn bao quát. Vì thế những quyết định của bạn phần nhiều mang tính toàn cục. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng những chi tiết nhỏ nhặt cũng đóng vai trò quan trọng? Chỉ bằng cách lắng nghe nguyện vọng của nhân viên thừa hành, bạn mới có thể tìm ra những chi tiết “nhỏ nhặt nhưng quan trọng”. Việc bạn chịu ngồi xuống, lắng nghe những ý tưởng của cấp dưới sẽ tạo ra động lực làm việc cho họ và đương nhiên sẽ làm tăng sự kết nối giữ họ và công ty.

Đề nghị mức đãi ngộ xứng đáng

Đây là yếu tố mà chắc chắn không nhà quản lý nào có thể bỏ qua. Dưới một góc độ nào đó, lương là yếu tố then chốt để một nhân viên quyết định đến và bó với doanh nghiệp.

Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng mức lương mà bạn có thể trả cho các cộng sự của mình. Hãy trả lương “xứng đáng” với công sức họ bỏ ra, đừng quá thấp để họ cảm thấy bị bóc lột, cũng không nên quá cao để gây những lầm tưởng không đáng có. Ngoài ra, hãy có những khoản thưởng để khích lệ kịp thời những nỗ lực vượt bậc của cấp dưới.

Trích HR insider