Từ ngày 01/01/2018, quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cụ thể như sau:
1. Người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
– Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
– Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;
– Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
– Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên.
– Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên.
– Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nguồn: Thư viện Pháp luật