6 câu nói quen thuộc của những nhà lãnh đạo thực thụ

Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo không chỉ là đạt được mục tiêu, mà quan trọng hơn là cách bạn động viên và truyền cảm hứng cho nhân viên của mình trong mọi hoàn cảnh. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn chỉ với 6 câu nói đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Bất kể bạn mới lần đầu đào tạo cho nhân viên, hay bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý con người, bạn đang nắm giữ vai trò của một người lãnh đạo.
Dù ở lĩnh vực hay quy mô tổ chức nào, có một sự thật đó là vị trí lãnh đạo không dành cho những người quá nhạy cảm hay nhút nhát. Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo không chỉ là đạt được mục tiêu, mà quan trọng hơn là cách bạn động viên và truyền cảm hứng cho nhân viên của mình trong mọi hoàn cảnh. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ suy nghĩ mọi chuyện quá phức tạp, tuy nhiên mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn nếu bạn áp dụng sáu câu nói ngắn gọn sau:

1. “Đừng quá lo lắng”

Nhân viên mới của bạn vô tình gửi đi một bản nháp chưa hoàn chỉnh đến khách hàng. Hộp thư đến bắt đầu tràn ngập những lời phàn nàn. Bạn có hai lựa chọn ngay lúc này: nói trực tiếp để anh ấy biết rằng anh ta đang làm mọi việc rối tung lên như thế nào hoặc nhìn vào mắt anh ta và nói rằng “Đừng quá lo lắng”. Sau tất cả, đó chỉ là một sai lầm và anh ta đã báo cho bạn biết sớm nhất có thể.

Tại sao điều đó quan trọng?

Một nhà lãnh đạo giỏi luôn biết rằng sẽ lãng phí thời gian nếu cứ nhấn chìm bản thân trong lo lắng về những việc đã xảy ra. Nếu đó không phải là một người chuyên gây lỗi (hoặc không thực sự quan tâm hay lo lắng về những sai lầm), thì việc làm ầm ĩ mọi thứ sẽ chẳng mang lại lợi lộc gì cho công ty và thậm chí có thể gây ra những chuyện không hay vì bản thân người gây ra sai lầm đang quá sợ hãi và lo lắng.

2. “Bài học gì được rút ra?”

Ai cũng từng mắc sai lầm, và chúng ta không nên lo lắng về những quyết định trong quá khứ vì chúng là không thể thay đổi. Vậy tại sao không sử dụng những sai lầm đó như một bài học bằng cách hỏi các thành viên rằng sự việc vừa xảy ra đã mang đến cho chúng ta những bài học gì?

Tại sao điều đó quan trọng?

Một nhà lãnh đạo thực thụ biết rằng lỗi lầm là cơ hội để học hỏi và tiến bộ. Nếu bạn chưa thất bại, nghĩa là bạn chưa cố gắng. Sự phấn đấu để tiến bộ là chìa khóa để phát triển và thành công cho cả cá nhân và tập thể. Với vai trò lãnh đạo, bạn có trách nhiệm hướng dẫn cho nhân viên làm cách nào để học hỏi từ những thất bại thay vì sợ hãi về chúng.

4

3. “Nói ra suy nghĩ của bạn”

Có thể không phải lúc nào bạn cũng đồng tình hay cảm thấy thích thú với những gì nhân viên nói, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn đang làm việc cùng một đội ngũ không sợ hãi khi nêu ý kiến thay vì chỉ luôn đồng ý. Trao quyền cho mỗi cá nhân được nói ra những suy nghĩ sẽ giúp bạn có cái nhìn đa chiều về một vấn đề.

Tại sao điều đó quan trọng?

Một nhà lãnh đạo tự tin biết rằng những câu hỏi luôn quan trọng và những ý tưởng tuyệt vời không hề phụ thuộc vào vị trí hay chức vụ. Thừa nhận bạn không có câu trả lời cho tất cả các vấn đề thật không dễ dàng, nhưng làm như thế bạn sẽ có được giải pháp tốt nhất, và đó là cơ hội để các thành viên cảm nhận được rằng họ quan trọng và đóng góp cho sự thành công chung (ngoài ra có thêm nhiều sự chủ động và trách nhiệm).

4. “Tôi hỗ trợ bạn”

Tôi có một chiếc chặn giấy khắc dòng chữ “Bạn sẽ làm gì nếu như biết rằng bạn không bao giờ thất bại?”. Điều gì nhân viên của bạn có thể làm khác đi nếu họ biết rằng họ sẽ không thất bại, hoặc dù có thất bại, thì bạn, người lãnh đạo của họ luôn ở phía sau hỗ trợ? Thông thường, khi một tình huống khó khăn xảy ra, mọi người sẽ bắt đầu trốn tránh và cũng là lúc trò chơi “đổ tội cho nhau” bắt đầu. Chúng ta sẽ trở nên chủ động hơn bao nhiêu nếu trách nhiệm và nghĩa vụ được chia sẻ và không ai cảm thấy cô đơn?

Tại sao điều đó quan trọng?

Nhà lãnh đạo dũng cảm chính là người tập hợp được tất cả những đặc trưng của một người hùng mà chúng ta thần tượng hóa trong các cuốn sách. Họ là những người với thanh gươm sáng chói trong cuộc chiến dữ dội dám lãnh trách nhiệm và bảo vệ thần dân của họ. Người quản lý có thể thực hiện những điều tương tự bằng việc nói rằng “Tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm” và thực sự họ sẽ làm thế. Ngoài ra, sự dũng cảm sẽ truyền đến mọi thành viên, và gây dựng sự trung thành mãnh liệt. Hai điều này có sức mạnh xây dựng thành công hơn bất cứ điều gì.

5. “Hãy nói không”

Chúng ta luôn có hàng trăm thứ những việc cần làm. Bao nhiêu người trong chúng ta sẽ nói “không” trong lần tiếp theo được giao một dự án mới? Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không nói không?
Bởi vì điều đó cần có sự tự tin. Cựu CEO của Apple Steve Jobs có một câu nói nổi tiếng: “Tôi tự hào về những điều chúng tôi đã không làm, như việc tôi đã làm. Sáng tạo là nói không trước 1000 ý tưởng”.
“Không” là một từ rất mạnh mẽ và là một công cụ để đảm bảo rằng chúng ta vẫn đang đi đúng hướng và không bị lạc đường bởi mọi cơ hội hấp dẫn mới xuất hiện trên con đường của chúng ta đi.

Tại sao điều đó quan trọng?

Một nhà lãnh đạo cần có sự tự tin và năng lực để đưa ra những quyết định đúng cho việc gì cần được ưu tiên. Họ sẽ cảm thấy thoải mái với việc từ bỏ hàng ngàn cơ hội khác, dù sau đó một trong những điều ta từ bỏ trở thành thứ mà đáng ra ta nên chọn. Chúng ta không thể làm tất cả. Một người thông minh biết rằng khi cố gắng hoàn thành tất cả mọi thứ, chúng ta chỉ thành công trong việc phân tán năng lượng của bản thân. Và đó là khi chúng ta trở nên tầm thường và ít thành công hơn.

6.“Tôi không biết”

Ba từ đơn giản đó đã đi xuyên suốt sự nghiệp của tôi. “Tôi không biết” có vẻ là cụm từ làm ngạc nhiên và mang đến sự thích thú cho mọi người. Tôi đã từng nghe CEO của mình chia sẻ, lý do cô ấy quyết định tuyển dụng tôi là bởi vì trong buổi phỏng vấn, tôi đã thừa nhận rằng tôi không biết câu trả lời cho một câu hỏi – nhưng tôi sẽ làm những gì cần thiết để tìm ra câu trả lời.

Tại sao điều đó quan trọng?

Một số người nghĩ rằng việc chấp nhận sự thiếu sót của kiến thức là một thất bại. Nhưng đó chính là sự khác nhau giữa một lãnh đạo can đảm và một kẻ nhát gan. Abraham Lincoln luôn chọn lựa nội các là những người có hiểu biết chuyên môn nhiều hơn ông. Henry Ford cũng lựa chọn tương tự thế. Sau tất cả, sự minh bạch, tinh tế, chân thực và đáng tin cậy chính là những đặc điểm làm nên một lãnh đạo thực thụ.

Nguồn: HR Insider / VietnamWorks