Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, trả lời phỏng vấn của báo chí tại lễ công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á tại Hà Nội sáng nay, 5-10.
Việt Nam hưởng lợi như thế nào từ TPP, thưa ông?
Hiện nay Việt Nam đang đàm phán TPP. Việt Nam là quốc gia thu nhập khá thấp trong 12 quốc gia này, tức là mức lương là thấp nhất. Liên quan đến lợi ích: về tổng thể, TPP là nhóm lớn bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada, … sẽ chiếm 40% GDP toàn cầu nên Việt Nam sẽ có thị trường lớn hơn. Đây là cơ hội lớn.
Chúng ta đã có những dự tính tác động, và tác động ở đây khá là tích cực. Chúng ta chưa có chi tiết cụ thể về hiệp định này, nhưng cũng có tín hiệu tốt, nhìn chung là tín hiệu tích cực. Kinh tế sẽ tăng trưởng thêm ít nhất 8-10% đến năm 2030 nhưng phải phụ thuộc vào những cải cách của Việt Nam. Sẽ có nhiều đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, và tiếp cận được thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ thì nhiều dòng đầu tư sẽ đến Việt Nam.
Thưa ông, đâu là những thách thức lớn nhất của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, và Việt Nam cần những động lực nào để thúc đẩy trong những năm tới?
Việt Nam là một trong những quốc gia có hiệu quả hoạt động tốt. Trong khi các quốc gia ở Đông Á có tốc độ tăng trưởng giảm xuống, thì Việt Nam và Philippines vẫn có tăng trưởng đi lên. Tuy có những thách thức toàn cầu nhưng Việt Nam sẽ có khả năng tốt trong tăng trưởng. Song, làm thế nào để tăng được 6% như mong muốn thì là điều phải suy nghĩ.
Trước đây, Trung Quốc và Hàn Quốc cố gắng tăng trưởng 6-7% nhưng họ cũng cần cải cách. Việt Nam cần cải cách ngành ngân hàng do nợ xấu cao, cải cách DNNN, tạo ra sân chơi công bằng cho doanh nghiệp, để các nhà đầu tư có vị thế như nhau… Vậy làm thế nào để sửa đổi lại chính sách phân bổ, cải cách lại thể chế.
Theo yêu cầu của Chính phủ từ nay tới cuối năm DNNN phải thoái vốn 17.000 tỉ đồng khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Ông đánh giá thế nào về rủi ro thoái vốn?
Nói đến việc thoái vốn của DNNN luôn là cải cách khó khăn. Chính phủ có chỉ tiêu cụ thể trong việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực cốt lõi. Những cải cách này dù đã đạt được kết quả nhất định nhưng cũng có thách thức, và Chính phủ đã ý thức được. Nhưng tôi cho rằng không nên đưa ra hạn mức cứng nhắc, như đến ngày 31-12 phải hoàn thành mục tiêu này, vì cái quan trọng là chất lượng của việc thoái vốn.
Khi nói về cải cách, cổ phần hóa là một yếu tố, nhưng cần những cải cách bổ trợ khác, nếu không triển khai thì cổ phần hóa không giải quyết được vấn đề, như minh bạch thông tin, giám sát chặt chẽ hơn nhu cầu về cung cấp thông tin, quản trị, quy trình đảm bảo trách nhiệm giải trình…
Các doanh nghiệp Việt Nam cần sân chơi bình đẳng, nên DNNN không nên hưởng nhiều ưu đãi hơn vì như vậy không tạo ra được sân chơi công bằng. Cổ phần hóa đã tốt rồi, nhưng tài sản đó phải được chuyển giao có ý nghĩa, ví dụ như chỉ bán được 1-2% thì không ý nghĩa lắm và không thu hút được nhà đầu tư.
Ông nhận xét thế nào về tỷ lệ nợ xấu được báo cáo đã giảm còn gần 3%?
Đã có nhiều thành tựu trong việc giảm nợ xấu. Việc thiết lập VAMC là thành tựu tốt, công ty này đang tích lũy và chuyển nợ xấu từ ngân hàng vào bảng cân đối tài sản của mình, nhưng vấn đề là giải quyết số nợ xấu đằng sau như thế nào. Để giải quyết nợ xấu trong bảng tài sản của VAMC thì điều quan trọng là làm sao bán được nợ xấu này phù hợp, được thị trường chấp nhận.
Theo tôi, cần cải cách về pháp lý, nếu không VAMC sẽ không triển khai được mục tiêu của mình. Một mặt VAMC muốn giải quyết nợ xấu, nhưng mặt khác doanh nghiệp có sở hữu nợ xấu đó phải chịu trách nhiệm và cùng giải quyết vấn đề. Lúc đó, phải có luật phá sản, tức là cần có những cải cách pháp lý.
Trích nguồn: www.thesaigontimes.vn