Khi vào làm việc, người lao động chỉ quan tâm đến tiền lương còn việc ký các cam kết thỏa thuận thì không đề cập đến nên khi xảy ra việc đáng tiếc thường bị thiệt thòi.
Thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận được nhiều phản ánh của người lao động (NLĐ) về việc không được giải quyết chế độ tai nạn lao động, không được trả tiền lương… Nguyên nhân là do NLĐ không ký hợp đồng lao động(HĐLĐ). “Khi vào làm thợ xây dựng cho một cai thầu, tôi chỉ quan tâm đến tiền lương mỗi ngày bao nhiêu chứ không quan tâm đến HĐLĐ nên khi xảy ra tai nạn lao động không có bên nào giải quyết”- anh Trần Đăng Lợi, quê ở Nghệ An, phản ánh.
Bị tai nạn nhưng không được bồi thường
Do quen biết, anh Lợi theo một người tên Cường đi làm thợ xây dựng cho Công ty xây dựng T.H (trụ ở huyện Hóc Môn, TP HCM). Mới đây, Công ty Xây dựng T.H trúng thầu thi công một công trình ở quận Tân Bình(TP HCM), anh Lợi được làm việc tại công trình này. Ngày 8-1, trong khi làm việc, anh Lợi bị ván cốp pha ngã đè vào lưng gây thương tích. Theo giấy chứng nhận thương tích, anh Lợi bị gãy cột sống lưng, liệt hai chi dưới, rối loạn tiểu tiện. Sau khi tai nạn xảy ra, không bên nào chịu bồi thường cho anh Lợi. Đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc, các bên có liên quan mới “hứa” sẽ bồi thường.
Ngoài việc không quan tâm đến việc ký HĐLĐ, cam kết khi vào làm việc, một số NLĐ còn có tâm lý sợ mất việc nếu đề nghị doanh nghiệp ký cam kết. Trường hợp anh Trần Đình Tuấn là một ví dụ. Anh Tuấn được một công ty gọi ra Hà Nội làm việc với thỏa thuận tiền lương 200.000 đồng/ngày, bao ăn ở. Công việc của anh Tuấn là theo sự chỉ đạo của một cai thầu san lấp mặt bằng, lắp ráp khung sắt phục vụ triển lãm. Trong quá trình làm việc, chẳng may anh Tuấn bị té từ trên cao xuống, gãy hai chân. Vụ việc xảy ra, anh Tuấn chỉ được hỗ trợ một phần chi phí điều trị. “Muốn kiếm thêm tiền trong lúc nông nhàn nhưng nay bị nạn không làm việc được mà còn phải sống bám ba mẹ” – anh Tuấn rầu rĩ.
Cần có cam kết khi làm việc
Cũng do không ký kết HĐLĐ nên 10 lao động làm việc cho ông Lâm Văn Tuấn ở quận Tân Bình (TP HCM) cũng bị xù tiền lương khi ông Tuấn bỏ trốn và mang theo toàn bộ tiền lương của họ. Chỉ khi NLĐ khiếu nại thì mới biết đơn vị thi công đã thanh toán tiền công đầy đủ cho ông Tuấn.
Nhiều NLĐ cho biết làm việc mà không có HĐLĐ là rất rủi ro khi chủ doanh nghiệp phủi tay, chối bỏ trách nhiệm nhưng họ không dám đề nghị được ký HĐLĐ bởi sợ doanh nghiệp không nhận vào làm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư HCM, cho biết trong quá trình tư vấn pháp luật gặp rất nhiều trường hợp quyền lợi của NLĐ bị vi phạm do không ký HĐLĐ. Những NLĐ này thường làm việc cho một nhóm, tổ. Nhóm, tổ lại nhận việc của một cai thầu nên khi xảy ra vụ việc rất khó xác định người sử dụng lao động là ai? Để bảo vệ quyền lợi và tránh rủi ro, khi vào làm việc, NLĐ nên ký HĐLĐ hoặc cam kết làm việc. Ngoài ra, cơ quan thanh tra cần tăng cường công tác kiểm tra xử phạt các doanh nghiệp vi phạm.
“Nếu bị xâm phạm quyền lơi, NLĐ có thể gửi đơn đến thanh tra Sở lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM để được can thiệp, bảo vệ” – một thanh tra viên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM lưu ý.
Nguồn: theo báo Người lao động