Những văn bản pháp luật mới quy định về BHXH sẽ làm thay đổi đáng kể chi phí mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) phải đóng.
Theo Luật BHXH số 58/2014/QH13, kể từ ngày 1/1/2016, hàng tháng, NSDLĐ cũng dành 18% quỹ tiền lương để đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, quan điểm mới về tiền lương tháng đóng BHXH sẽ khiến cho số tiền đóng BHXH tăng hơn so với hiện nay. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhiều DN trả lương ròng (không bao gồm thuế và các loại bảo hiểm mà NLĐ phải đóng, trong đó có BHXH) và các DN đã “né” đóng quỹ BHXH bằng cách “biến” lương thành phụ cấp, trợ cấp.
Theo lương hay thu nhập
Theo quy định hiện hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Với quy định này, nhiều NSDLĐ đã chủ động tính toán để giảm tối đa tiền đóng BHXH bằng cách quy định tiền lương trong hợp đồng lao động là một khoản tiền chỉ lớn hơn mức lương tối thiểu để không vi phạm pháp luật, còn một phần khác được xem là phụ cấp, trợ cấp. Khi đóng BHXH thì NSDLĐ và NLĐ chỉ đóng trên mức lương ghi trong HĐLĐ chứ không đóng trên thu nhập mà NLĐ thực tế được nhận.
Một cách khác là NSDLĐ trả lương ròng cho NLĐ nên mức đóng BHXH cũng sẽ thấp hơn mức lương bao gồm phần đóng BHXH của NLĐ trong đó. NLĐ khi ký HĐLĐ không mấy quan tâm đến mức đóng BHXH mà còn có tâm lý là Cty đóng BHXH cả phần của NLĐ thì thấy vui hơn vì cảm giác không phải “gánh” trách nhiệm đóng BHXH. Thực tế thì NSDLĐ đã tính toán mọi thứ trước khi đưa ra mức lương và cơ cấu lương để áp dụng theo hướng có lợi cho mình. Điều này khiến NLĐ có đôi chút thiệt thòi khi hưởng các chế độ được tính theo mức lương đóng BHXH, quỹ BHXH cũng theo đó mà có phần thất thu.
Quy đinh mới có lợi cho NLĐ
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017 tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Nên những tính toán như trên của DN sẽ không còn “cửa”. Theo đó, các khoản được xem là tiền lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác được Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn tại Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH (Thông tư 23). Do vậy, mức lương là mức lương trong thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng.
Còn phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương. Các phụ cấp này thường được gọi là phụ cấp công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp chuyên môn; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp ngoại ngữ; phụ cấp đắt đỏ; phụ cấp nhà ở; phụ cấp năng suất… Còn các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Với Thông tư 23, dường như mọi thu nhập của NLĐ đang được NSDLĐ trả đều nằm trong khoản phụ cấp lương hoặc các khoản bổ sung khác. Điều này có nghĩa từ ngày 1/1/2016, khoản tiền mà NSDLĐ và NLĐ phải đóng BHXH sẽ tăng lên. Mức tăng lên có đáng kể hay không, phụ thuộc vào cơ cấu tiền lương mà hiện nay NSDLĐ đang áp dụng.
Thêm một thay đổi nữa, từ ngày 1/7/2016, Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, mức quỹ đóng BHXH của NSDLĐ sẽ được giảm 1% trên quỹ tiền lương đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, thực chất, mức giảm này chỉ là sự di chuyển quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc BHXH theo Luật BHXH sang bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Mai Thanh, dddn.com.vn