Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, viễn cảnh tương lai khi robot, máy móc thay thế con người trong phần lớn công việc sẽ dẫn đến tình trạng nhiều ngành nghề có nguy cơ bị xóa bỏ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, vẫn có những vị trí, công việc và những kỷ năng cần trang bị để luôn vững vàng và khó có robot nào có thể thay thế trong kỷ nguyên 4.0 này.
Top 5 ngành nghề “bất biến” giữa thời 4.0
1/ Công nghệ thông tin
Trong danh sách 5 ngành nghề, công nghệ thông tin được đánh giá là một trong những nghề có khả năng “miễn dịch” với khủng hoảng kinh tế hiện nay. Chỉ cần máy tính là tâm điểm của đời sống công việc và sinh hoạt của mọi người thì những người làm nghề này vẫn có đất dụng võ.
Bất kỳ tổ chức nào cũng có những thông tin cần bảo mật, do đó nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin là không thể thiếu. Trong thời đại 4.0, việc bảo mật thông tin giữa các công ty hay quốc gia cũng rất được xem trọng. Chính vì vậy, công nghệ thông tin được đánh giá là ngành hot không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai.
2/ Thiết kế
Khi việc cạnh tranh sản phẩm không chỉ dừng lại ở chất lượng mà ngày càng hướng đến việc đầu tư ý tưởng vào bao bì, quảng bá, cách truyền thông, việc tạo dấu ấn của thiết kế càng được chú trọng. Con người luôn hướng tới cái đẹp nên việc thiết kế sao cho thu hút để tạo ấn tượng với khách hàng. Sự sáng tạo của con người là điều giúp cho ngành này trụ vững trước xu thế công nghiệp 4.0 đang ngày một lan tỏa mạnh mẽ. Bởi nghề thiết kế đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng để đáp ứng nhu cầu thị trường, mà không phải robot nào cũng có thể thay thế được.
3/ Y tế
Tiếp đó là ngành nghề lĩnh vực y tế. Dù ở nhiều lĩnh vực, robot có thể dần dần thay thế con người, thì với nhóm ngành y tế vẫn không bị ảnh hưởng. Bởi vì ngoài chữa bệnh thì việc giao tiếp, ổn định tinh thần, thấu hiểu suy nghĩ của người bệnh cũng rất quan trọng.
Một báo cáo về nhân lực ngành Y tế đưa ra dự báo đến năm 2020, nhu cầu về các chuyên gia y tế cũng như các dịch vụ cộng đồng sẽ trên 40%. Bởi vậy, đây là nhóm ngành được đánh giá không nằm trong “cơn bão” cách mạng 4.0, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho những lao động có nhu cầu tham gia vào lĩnh vực Y tế.
4/ Đầu tư – tài chính
Nhóm ngành tiếp theo phải kể tới đó là nhân lực làm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – đầu tư. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực tài chính, đầu tư được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ. Cơ hội việc làm cho những vị trí cần xử lý máy tính và cấu trúc dữ liệu, bảo mật thông tin, phân tích dữ liệu và mạng máy tính là rất lớn. Tuy nhiên, không phải cứ robot là có thể xử lý tốt các tình huống trong dịch vụ tài chính – đầu tư, vì vậy, đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển và là nghề hấp dẫn, thu hút nhân lực trong cuộc cách mạng 4.0.
5/ Đầu bếp
Ngành nghề thứ năm mà robot không thể thay thế được con người trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đó là đầu bếp. Bởi đây là ngành nghề đòi hỏi phải có các kĩ năng, vị giác, tinh thần sáng tạo, không ngừng tìm kiếm những điều mới mẻ trong việc chế biến món ăn của người đầu bếp. Robot cũng như những máy móc hiện đại trong bếp có thể phục vụ khách hàng tốt hơn nhưng chắc chắn không thể sáng tạo nên những món ăn ngon.
Do đó, dù cách mạng 4.0 có thay thế nhiều ngành nghề khác thì đầu bếp vẫn luôn là những người lao động có khối óc tư duy và sáng tạo không thể thay thế.
Những kỹ năng robot không thể thay thế con người
Bên cạnh những ưu điểm không thể bàn cãi, cũng có những những kỹ năng mà robot không thể nào thay thế được con người. Đó là:
1. Tư duy sáng tạo
Dù hiện nay, AI đã sở hữu khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, sáng tác nhạc hay viết chữ, song chúng chỉ có thể làm được như thế nhờ việc phân tích các dữ liệu sẵn có, chứ không thể tạo ra một cái gì đó hoàn toàn mới. Đến nay, việc cho ra đời những ý tưởng chưa từng xuất hiện là công việc chỉ có con người mới làm được.
Dù ngành nghề hiện tại của bạn không đòi hỏi sự sáng tạo nhiều như việc phát minh, soạn nhạc hay viết văn…, thì kỹ năng tư duy sáng tạo vẫn giữ nguyên giá trị hữu ích của nó trong giải quyết vấn đề, bất kể đó có là lĩnh vực nào đi nữa.
Ví dụ, một người làm việc ở bộ phận tuyển dụng, với mục tiêu thu hút ứng viên đến website của công ty mình, có thể nghĩ ra nhiều phương pháp mới, vốn không có trong sách vở, để gây ấn tượng với ứng viên. Sau đó, họ có thể thử nghiệm trên nhiều kênh tiếp cận để tìm ra cách tối ưu nhất.
Ngược lại, nếu để máy móc đảm nhận nhiệm vụ tìm ứng viên, nó không thể tự nghĩ ra các phương pháp mới, mà chỉ có thể sử dụng các phương pháp đã được “học” từ trước, dựa trên nền tảng dữ liệu đã giúp tạo ra thuật toán của nó.
2. Cảm thông
Sự cảm thông là một trong những khía cạnh làm nên con người, và là kỹ năng đặc biệt hữu dụng trong ngành dịch vụ hoặc các lĩnh vực cần sự tương tác giữa người với nhau.
Ví dụ thực tế: dù các chatbot (phần mềm đối thoại) có tân tiến đến đâu đi nữa, thì bản thân chúng cũng không thể liên kết và thấu hiểu người khác về mặt cảm xúc để đưa ra quyết định. Nói một cách dễ hiểu, robot không thể đặt bản thân chúng vào hoàn cảnh của người khác. Trong khi đó, đây lại là kỹ năng cần thiết để thấu hiểu cảm xúc của người khác, hỗ trợ tốt môi trường làm việc nhóm và giúp truyền đạt ý tưởng một cách hiệu quả.
Có thể nói, cảm thông là một trong những kỹ năng giao tiếp quan trọng, nhất là với vị trí quản lý hoặc thực thi dự án. Rõ ràng, một cỗ máy sẽ không thể nào giải quyết mâu thuẫn giữa các nhân viên hoặc an ủi ai đó vừa bị đình chỉ công tác.
3. Lập kế hoạch
Nếu đã từng chơi đánh cờ online với đối thủ là một chiếc máy vi tính, bạn sẽ nhận ra rằng, nó cũng thành thạo và giỏi không kém gì so với một người thật cả. Thông thường, những trò chơi mang tính chiến lược như đánh cờ đều được ràng buộc bởi các quy luật và có kết quả dựa trên logic hay mối quan hệ “nguyên nhân – kết quả”. Thế nên, phần lớn chúng đều có thể được dự đoán trước; do đó, máy móc cũng có thể “học” chúng một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, bối cảnh bên ngoài lại không hề dễ đoán như vậy. Trên thực tế, nhiều ngành nghề đòi hỏi người làm việc phải sở hữu kỹ năng hoạch định đường đi nước bước cho cả những viễn cảnh hết sức khó đoán, kỹ năng sắp xếp thứ tự ưu tiên hay bổ sung thông tin v.v.. Ví dụ, khi lên kế hoạch phân công cho các tổ để đạt mục tiêu chung, một người quản lý dự án cần phải cân đo đong đếm giữa nhiều yếu tố, xem xét lịch trình và xác định cả thứ tự ưu tiên.
4. Đánh giá
Trong những tình huống nhập nhằng về mặt luật pháp, trí tuệ AI khó có thể đóng vai trò một luật sư để đưa ra phán quyết cuối cùng. Bởi vì, trong những vấn đề liên quan đến đạo đức, trắng – đen thường khó phân định; nên robot, vốn là những chiếc máy được lập trình sẵn, không thể nào tự phân định được việc gì “nên làm” hoặc “không nên làm”. Dẫu vậy, AI có thể giúp trợ lý luật sư thực hiện việc thu thập thông tin khi thụ lý một vụ việc nào đó, vì đây là công việc lặp đi lặp lại và robot có thể làm tốt việc này.
Tuy nhiên, với công việc luật sư hoặc thẩm phán, vốn là những vị trí đòi hỏi tư duy ở mức độ cao hơn để biện hộ hoặc đưa ra phán quyết, robot không thể nào thay thế họ được.
Nguồn: Tổng hợp Dân trí & VTV