Startup tỷ đô về hệ thống quản lý làm việc nhóm Slack đã tiến hành khảo sát hơn 1000 nhân viên nhằm tìm ra lời đáp cho thắc mắc: Nhân viên cần gì từ môi trường làm việc lý tưởng?
Rõ ràng các ứng viên đang nắm lợi thế và chủ động trong thị trường tuyển dụng. Họ có quyền lựa chọn công ty để ứng tuyển và sẵn sàng rời đi nếu công ty không đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của họ trong công việc.
Vì vậy, để thu hút các ứng viên mới và giữ chân những nhân viên có năng lực, các doanh nghiệp rõ ràng cần nỗ lực tạo dựng môi trường làm việc lý tưởng, nơi thỏa mãn những nhu cầu của nhân viên. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là: Thế nào là môi trường làm việc lý tưởng? Những yếu tố nhân viên cần từ môi trường làm việc lý tưởng là gì?
Để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, Slack đã tiến hành khảo sát với 1400 lao động tri thức trên khắp Hoa Kỳ. Trong đó có 500 người dùng Slack. Với khảo sát này, Slack đặt mục tiêu tìm hiểu môi trường làm việc hiện tại của nhân viên và mong muốn của họ về một môi trường làm việc lý tưởng.
Kết quả cho thấy, có 3 yếu tố nhân viên mong muốn có được từ môi trường làm việc của họ đó là: sự tin tưởng và minh bạch, mối quan hệ và sự kết nối với đồng nghiệp, công cụ quản lý công việc.
-
Sự tin tưởng và minh bạch trong doanh nghiệp
Những người lao động rất quan tâm về sự minh bạch của một doanh nghiệp. Đối với một số nhân viên, sự minh bạch giúp họ có thêm tin tưởng, cảm thấy an tâm, xóa bỏ mọi lo lắng về việc không được đối xử công bằng, bị coi thường hoặc bị lừa dối.
Một số nhân viên khác thì cho rằng sự minh bạch giúp họ phát triển các kỹ năng trong công việc. Khi các yêu cầu về công việc, kết quả mong muốn cũng như các kỹ năng cần có trong công việc được minh bạch, nhân viên sẽ có cơ hội học hỏi thêm nhiều kỹ năng mới và tham gia vào các nhiệm vụ vượt khỏi vòng an toàn của họ.
Những điều minh bạch nhân viên muốn biết gồm có:
- Doanh nghiệp: sự minh bạch về tài chính, các chiến lược phát triển, cơ sở ra quyết định của cấp lãnh đạo.
- Sự nghiệp: thông tin nội bộ, lộ trình thăng tiến, các sự kiện do công ty tổ chức liên quan đến phát triển kỹ năng nghề nghiệp
- Đối thủ: xu hướng thị trường, các sự kiện diễn ra bên ngoài.
Sau đây là một số thống kê ấn tượng về sự minh bạch trong doanh nghiệp qua cuộc khảo sát của Slack.
- 87% nhân viên mong muốn được nhìn thấy tương lai công ty một cách rõ ràng
- 80% quan tâm đến cơ sở ra quyết định của cấp lãnh đạo
- 55% chủ doanh nghiệp nhận xét rằng công ty họ “rất minh bạch” nhưng chỉ 18% nhân viên của họ công nhận điều đó
- 37% nhà quản lý và 38% nhân viên xếp hạng sự hòa hợp là nhân tố quan trọng để kết nối với đồng nghiệp.
Sự minh bạch không chỉ thể hiện theo cách các cấp quản lý công bố thông tin. Nó còn liên quan tới việc liệu nhân viên trong công ty có nắm được tình hình tại các phòng ban khác hay không. Các cấp lãnh đạo sáng suốt sẽ không ngần ngại thực hiện phong cách làm việc minh bạch bởi điều này giúp các nhân viên phát triển và gắn kết hơn với doanh nghiệp. Thêm vào đó, sự minh bạch còn giúp nhân viên gắn kết với nhau hơn nhưng vẫn có thể làm việc một cách độc lập, tự chủ.
Một số phương pháp tăng sự minh bạch có thể kể đến như:
- Thẳng thắn trong công việc
- Công khai về kết quả công việc
- Dỡ bỏ cấu trúc Silo
- Minh bạch từ khâu tuyển dụng
- Sử dụng công cụ hỗ trợ
-
Mối quan hệ và sự kết nối với đồng nghiệp
Theo Adam Grant – nhà tâm lý học tổ chức – sự kết nối trong công việc giúp cải thiện hạnh phúc cá nhân và tăng hiệu quả làm việc. Nghiên cứu của Slack chỉ ra, có đến 91% nhân viên mong muốn được gần gũi hơn với các đồng nghiệp xung quanh họ. Trong khi đó, gần 85% nhân viên muốn có sự gắn kết với các đồng nghiệp ở khoảng cách xa.
Để tìm hiểu thêm về cách các nhân viên duy trì kết nối, Slack đã nghiên cứu mức độ hài lòng giao tiếp tại nơi làm việc. Kết quả cho thấy, gần một phần tư nhân viên nói rằng họ không hài lòng với tình hình giao tiếp tại công ty, bao gồm cả cách thông tin được chia sẻ.
Khi được hỏi họ có thể làm gì để thay đổi tình trạng này, có hai vấn đề được đưa ra:
- Có cách thức giao tiếp tốt hơn
- Hợp tác công việc nhiều hơn
Một lý do khá dễ hiểu khi công cụ giao tiếp được đặt lên hàng đầu là bởi phần lớn các công ty sử dụng email như một cách thức giao tiếp và chia sẻ thông tin trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản chất của Email không phải để liên lạc nhanh chóng nên gây ra độ trễ trong quá trình làm việc. Có đến 80% nhân viên nói rằng họ mong muốn đồng nghiệp của họ trả lời email nhanh hơn.
Sự không hài lòng về công cụ truyền thông cũ không chỉ phổ biến trong giới trẻ – thế hệ Millennials – mà còn cả thế hệ cũ, cụ thể là Boomers (những người sinh từ năm 1946 đến 1964) và thế hệ Gen X (những người sinh năm 1965 đến 1980).
Dưới đây là kết quả thống kê của từng nhóm thế hệ với câu hỏi: “Bạn có hài lòng với công cụ giao tiếp hiện tại trong công việc không?”.
- 16% Millennials không hài lòng
- 13% Gen X không hài lòng
- 12% Boomers không hài lòng
Điều này cho thấy nhu cầu về giao tiếp, cụ thể là phương tiện giao tiếp trong doanh nghiệp là điều nhân viên mọi lứa tuổi đều quan tâm và đề cao. Một môi trường làm việc cho phép nhân viên giao tiếp nhanh chóng luôn thoải mái và hiệu quả hơn so với môi trường luôn phải chờ đợi. Do đó, các doanh nghiệp nên có những giải pháp nâng cao trải nghiệm giao tiếp trong doanh nghiệp, tìm kiếm các phương thức kết nối tất cả các thành viên ở nhiều vị trí địa lý khác nhau.
Một số thống kê về tính gắn kết và tương tác trong doanh nghiệp có thể sẽ gây bất ngờ:
- 43% nhân viên muốn áp dụng phần mềm giao tiếp công việc hiện đại
- 52% nhân viên mong muốn các quy trình giao tiếp được cải thiện
- 50% nhân viên mong muốn được làm việc trong môi trường có sự hợp tác
Dưới đây là những phương pháp giúp thúc đẩy giao tiếp trong doanh nghiệp:
- Xây dựng niềm tin trong doanh nghiệp
- Tạo động lực giao tiếp cho nhân viên
- Truyền thông văn hóa về giao tiếp cởi mở
- Luôn lắng nghe và có mặt kịp thời
- Luôn ủng hộ nhân viên
-
Hiệu quả của các công cụ quản lý công việc
Khi có công cụ quản lý công việc, nhân viên sẽ có thể dễ dàng quản lý thời gian dành cho công việc, các dự án. Từ đó có khả năng tổ chức công việc phù hợp với lịch trình cá nhân và trao đổi về công việc với đồng nghiệp. Trong cuộc khảo sát, Slack nhận thấy có 87% số người tham gia cho rằng phần mềm quản lý công việc giúp họ làm việc năng suất hơn. Việc sử dụng những công cụ quản lý công việc còn giúp họ kết nối với đồng nghiệp và cải thiện mối quan hệ nơi công sở.
Công cụ quản lý công việc công việc cũng ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên. Theo đó:
- 83% nói rằng họ hài lòng khi có công cụ quản lý
- 73% nói rằng điều đó khiến họ không cảm thấy cô độc
- 74% nói rằng công cụ quản lý khiến họ cảm thấy hứng thú trong công việc
Trong môi trường làm việc ngày nay, tính tự giác và chủ động được đề cao, những công cụ quản lý là yếu tố giúp mọi hoạt động vừa độc lập vừa nằm trong tầm kiểm soát. Việc sở hữu các công cụ quản lý công việc còn thể hiện doanh nghiệp của bạn luôn năng động, và biết cách ứng dụng công nghệ vào công việc hòa nhập với xu hướng chung của thế giới.
Tiêu chí lựa chọn phần mềm quản lý công việc gồm có:
- Cung cấp báo cáo kết quả và tiến độ công việc
- Có thể gắn deadline thời gian thực và đánh dấu ưu tiên đầu việc
- Có thể phân chia công việc cho nhiều người theo từng dự án độc lập
- Hỗ trợ giao diện hiển thị danh sách công việc.
Nguồn: HR Insider 4.0