Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo đó, đối với người lao động tại doanh nghiệp, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động.
Đồng thời, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế – xã hội (cung – cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp…).
Cũng theo Nghị quyết 27 này, các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.
Hiện hành, đối với người lao động tại doanh nghiệp được áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo tháng tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng;
Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng;
Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng;
Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng.