Sinh con, nuôi con là thiên chức cao cả của người phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ không phải là siêu nhân để vừa làm tốt thiên chức ấy, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vậy pháp luật đã quy định như thế nào về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ?
Khi có thai: Được nghỉ 05 ngày đi khám thai
Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cho phép trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ này được tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Khi thai có vấn đề: Được nghỉ đến 50 ngày
Một trong những tinh thần nhân đạo của BHXH Việt Nam đó là việc tạo điều kiện để lao động nữ ổn định sức khỏe khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý. Cụ thể thời gian nghỉ việc tối đa tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Thời gian nghỉ này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Khi sinh con: Nghỉ 06 tháng
Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định khá chi tiết về thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ, cụ thể:
– Lao động nữ sinh con được nghỉ việc trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
– Sau khi sinh con, nếu con bị chết:
+ Con dưới 02 tháng tuổi chết thì người mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;
+ Con từ 02 tháng tuổi trở lên chết thì người mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết.
Thời gian nghỉ này không vượt quá thời gian nghỉ sinh con thông thường và không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật lao động.
– Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia mà mẹ chết sau khi sinh thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.
Thời gian nghỉ này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Khi tránh thai: Được nghỉ đến 15 ngày
Thời gian nghỉ việc tối đa khi thực hiện các biện pháp tránh thai được quy định tại Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
Thời gian này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
9 tháng 10 ngày mang thai và những tháng ngày nuôi con đầu đời là quãng thời gian hạnh phúc nhưng cũng đầy vất vả của người mẹ. Bằng việc quy định thời gian nghỉ thai sản cụ thể, chi tiết, pháp luật đã và đang ghi nhận và bảo vệ sức khỏe của lao động nữ.
Nguồn: Luatvietnam.vn