Việc nắm rõ các công thức tính lương sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch tài chính một cách trơn tru, minh bạch. Từ đó giúp công ty có những chính sách thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả.
1. Công thức tính lương theo thời gian
Căn cứ vào thời gian làm việc cụ thể, tiền lương trả cho người lao động có thể theo tháng, ngày, giờ, cụ thể:
– Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
– Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Công thức tính = tiền lương tháng nhân với 12 tháng rồi chia cho 52 tuần.
– Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Công thức tính= tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày.
– Tiền lương giờ được trả cho 1 giờ làm việc. Công thức tính = tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại điều 104 của Bộ luật Lao động.
(Theo điều 22 Nghị định 05/2015/NĐ-CP và được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH và được sửa đổi bởi Điểm a Khoảng 4 Điều 14 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH)
Thực tế doanh nghiệp vẫn thường tính lương theo 2 cách dưới đây:
Cách 1: Khi doanh nghiệp không quy định ngày công chuẩn
“Lương tháng” = “Lương cơ bản”+ “Phụ cấp (nếu có)” / “ngày công chuẩn của tháng” x “số ngày làm việc thực tế”
Ngày công chuẩn là ngày làm việc trong tháng, không bao gồm các ngày nghỉ ví dụ như nghỉ chủ nhật, nghỉ lễ. Tháng 30 và 31 ngày có tối đa 26 ngày công chuẩn. Tháng 28 ngày thì ngày công chuẩn có thể chênh lệch một chút.
Một số loạt phụ cấp thường gặp:
– Chức vụ, chức danh;
– Phụ cấp trách nhiệm;
– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– Thâm niên;
– Phụ cấp khu vực;
– Lưu động…
Các loại phụ cấp nếu có, sẽ được quy định rõ trong hợp đồng lao động hoặc trong quy chế lương thưởng của công ty.
Ví dụ:
Tháng 10/2017 có 31 ngày, 4 ngày chủ nhật. Nhân viên A được trả lương 5 triệu đồng/ tháng (đã bao gồm cả phụ cấp).
– Nếu A nghỉ một ngày, số ngày đi làm thực tế của A là 26, bằng số ngày công chuẩn của tháng. A vẫn nhận lương đầy đủ: Lương tháng = (5.000.000/26)*26.
– Nếu A không nghỉ mà vẫn đi làm đầy đủ, tiền lương ngày thứ 27 được tính bằng Lương ghi trên hợp đồng/26. (5.000.000/26)
Cách 2: Doanh nghiệp quy định ngày công chuẩn
Doanh nghiệp tự quy định là 24 hoặc 26 ngày.
Ví dụ:
Công ty của A quy định ngày công chuẩn là 26. Công thức tính lương sẽ là:
“Lương tháng” = “Lương” + “Phụ cấp (nếu có)” / “26” x “ngày công thực tế làm việc”
Tháng 10/2017, có 31 ngày, 4 ngày chủ nhật. A đi làm đầy đủ và được hưởng: Lương tháng = 5.000.000/26*27
– Nếu A nghỉ phép 1 ngày vào tháng này thì A vẫn được nhận đủ số lương theo hợp đồng lao động (do vẫn đủ 26 ngày công).
– Tháng 02/2018, có 28 ngày, 4 ngày chủ nhật. A đi làm đầy đủ 24 ngày. Lương tháng = 5.000.000/26*24
2. Cách tính lương theo sản phẩm
Tính lương theo sản phẩm là hình thức thức trả lương dựa trên chất lượng và số lượng sản phẩm hoặc phần trăm công việc mà người lao động đã hoàn thành. Do gắn chặt năng suất lao động với thù lao lao động, hình thức này thường được áp dụng khi cần khuyến khích năng năng suất, tăng số lượng sản phẩm.
Ưu điểm của hình thức này: đảm bảo được nguyên tắc phân phối theo chất lượng và khối lượng lao động, khuyến khích người lao động làm việc hơn.
Công thức tính:
Lương sản phẩm = Đơn giá sản phẩm * Số lượng sản phẩm
3. Cách trả lương khoán
Đây là hình thức trả lương khi người lao động hoàn thành được đúng khối lượng công việc theo thỏa thuận giữa hai bên.
Công thức tính lương:
Lương = Mức lương khoán * Tỷ lệ % hoàn thành công việc
Thông thường, lương khoán được áp dụng cho những công việc mang tính chất thời vụ.
4. Cách tính lương theo doanh thu
Đây là hình thức trả lương dựa trên doanh số đạt được của nhóm hoặc cá nhân. Phương thức này thường được áp dụng phổ biến với nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh.
Cách tính lương theo doanh thu dựa trên:
– Lương/thưởng dựa trên cá nhân
– Lương/thưởng doanh số nhóm
– Các hình thức thưởng khác.
5. Cách tính lương làm thêm giờ
Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm có quy định:
Người lao động làm thêm giờ vào ngày thường được hưởng ít nhất 150% so với tiền lương đang được hưởng. Nếu làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần – ít nhất bằng 200%. Nếu làm việc trong ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương.
Người lao động làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% đơn giá tiền lương được hưởng. Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì được hưởng thêm 20%. Như vậy nếu làm vào ngày thường, thì người sẽ được trả ít nhất là: 150% lương của ngày làm việc bình thường + 30% lương của ngày làm việc bình thường + 20% lương của ngày làm việc bình thường = 200% lương của ngày làm việc bình thường;
Làm thêm vào ban đêm của ngày nghỉ hàng tuần, người lao động được hưởng ít nhất: 200% lương của ngày làm việc bình thường + 30% lương của ngày làm việc bình thường + 20% x 200% lương của ngày làm việc bình thường = 270% lương của ngày làm việc bình thường.
Các lưu ý khi doanh nghiệp trả lương cho người lao động
– Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm.
– Ngược lại, nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
– Nếu Ngân hàng Nhà nước không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại. (Ngân hàng nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương).
– Doanh nghiệp được phép tự áp dụng các cách tính lương cho nhân viên trong doanh nghiệp mình sao cho phù hợp.
(Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP)
Kết
Lương không phải là nguyên nhân chính khiến nhân sự rời bỏ công ty, tuy nhiên, việc rõ ràng trong cách tính lương thưởng sẽ giúp nhân sự an tâm hơn khi ở lại.
Là nhà quản trị nhân sự, thật thiếu sót khi bạn không nắm rõ những quy định cơ bản về các hình thức tính lương trong doanh nghiệp, bởi đây là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm sự phát triển và ổn định sản xuất cho công ty, giúp công ty duy trì một đội ngũ lao động chất lượng, nhiệt tình cống hiến.
Còn tiếp…
Nguồn: HR Insider 4.0