Nhân viên tiềm năng và Nhân viên khá giỏi – phân biệt ra sao để nhận diện nhân tài và phát triển họ thành nhà lãnh đạo tương lai? Nhân viên tiềm năng là người sở hữu khả năng và tham vọng trở thành nhà lãnh đạo tài ba của công ty. Tất nhiên nhân viên khá giỏi là người có tiềm năng rất cao nhưng không phải tất cả đều có năng lực hay mong muốn trở thành nhà lãnh đạo.
Nếu không phân biệt rõ hai khái niệm này thì sẽ khó nhận diện, phát triển và giữ chân nhân tài. Đó là chưa kể nhầm lẫn nhân viên tiềm năng và nhân viên khá giỏi sẽ khiến công ty tổn thất nhiều. Vậy làm thế nào nhận diện nhân viên tiềm năng? Sau đây là bốn đặc điểm quen thuộc để phân biệt nhân viên tiềm năng và nhân viên khá giỏi:
1. Chủ động và Thụ động
Một trong những đặc điểm dễ thấy ở nhân viên có tố chất lãnh đạo là họ giải quyết vấn đề một cách chủ động. Một nhân viên chủ động sẽ tự lập kế hoạch cho tương lai, không đợi đến khi có vấn đề phát sinh mới tính. Còn nhân viên thụ động thì ngược lại, họ đợi đến khi vấn đề xảy ra thì mới suy nghĩ cách giải quyết. Mặc dù cả hai cách đều tập trung giải quyết vấn đề, nhưng cách chủ động sẽ hiệu quả hơn và cho thấy họ có thể làm lãnh đạo trong tương lai. Nếu đã có chiến lược sẵn, khi “chữa cháy” vấn đề sẽ có nhiều thời gian và sự lựa chọn để tiến hành giải quyết.
2. Tiên phong và Theo sau
Không phải tất cả các nhân viên đều muốn thăng tiến lên cấp bậc cao hơn trong công ty. Một số nhân viên hoàn toàn hài lòng với vị trí hiện tại và không có nguyện vọng làm quản lý hay lãnh đạo tập thể. Điều này không sao cả. Đằng sau mỗi nhà lãnh đạo thành công là một đội ngũ nhân viên khá giỏi. Thay vì chỉ dựa trên kết quả làm việc để tìm kiếm ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo, hãy xem xét cả những đóng góp cá nhân và tính cách của nhân viên.
Nhân viên tiềm năng thường được miêu tả với khả năng làm vượt cả yêu cầu. Họ không rời khỏi công ty khi đồng hồ điểm 5 giờ hay chỉ chăm chú vào cái tôi của bản thân. Họ ưu tiên vì tập thể, chủ động tìm kiếm cơ hội đóng góp khả năng và thể hiện tiềm năng lãnh đạo.
3. Tiếp thu và Không tiếp thu phản hồi
Ai cũng có thể gật đầu khi đón nhận lời góp ý mang tính xây dựng, nhưng chỉ những nhân viên tiềm năng mới ghi nhận, ghi nhớ và áp dụng. Những nhân viên thật sự tiếp thu phản hồi sẽ hành động sớm, không phải chỉ để thể hiện, mà còn để trở thành một nhân viên toàn diện hơn. Nhân viên tiềm năng sẽ cố tránh phạm sai lầm hai lần. Khi đánh giá công việc, hãy thảo luận phản hồi với nhân viên và xem những phản hồi nào được thực hiện tốt.
4. Hiểu rõ công ty và Hiểu công việc
Nhân viên khá giỏi và nhân viên tiềm năng đều cố gắng đạt năng suất làm việc cao nhất, nhưng nhân viên tiềm năng còn nhắm tới mức cao hơn thế.
Thay vì chỉ thực hiện những việc để họ thành công trên cương vị của họ, nhân viên tiềm năng còn quan tâm đến tình hình kinh doanh của công ty. Họ hiểu rõ mục tiêu và kết quả công việc của họ ảnh hưởng nhiều đến thành công chung và khả năng đạt được tầm nhìn của toàn công ty.
– HR Insider / VietnamWorks –