Những nhân viên “gian manh” luôn luôn tìm cách sống bên cạnh những con lừa ôm đồm để đổ việc.
Một khảo sát cách đây không lâu của Anphabe trên 26.000 nhân viên làm việc tại Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thực sự gắn kết với công ty, 46,9% nhân viên gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Trong nhóm 39,3% nhân sự thờ ơ thì có tới 2/3 vẫn ở lại công ty. Những người này đi làm nhưng không có động lực trong công việc, không có mục tiêu phấn đấu hay có thể gọi họ là những zombie công sở.
Khảo sát của Anphabe cũng cho biết thêm cứ 4 nhân viên thì có 1 zombie công sở, chiếm 25%. So sánh với mức 26% trung bình của thế giới, con số này gần tương đương. Hay nói một cách dễ hình dung hơn, công ty có quy mô 100 nhân viên thì có tới 25 nhân viên làm việc thờ ơ. Họ khiến doanh nghiệp thất thoát tới 11,7% hiệu suất làm việc. Anphabe cũng cho biết thêm xu hướng zombie đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa khi Gen Y (những người sinh năm 1994-1998) lên tới gần 31%.
Một con số khác phản ánh tác động của những nhân viên zombie này là trong khi số ngày nghỉ bệnh trung bình chỉ 4 ngày/năm thì trung bình số ngày họ đi làm, nhưng không tập trung và không hiệu quả lên tới 57,5 ngày làm việc trong 1 năm.
Chuyện nhân viên trốn việc, lười không chỉ là hiện tượng bình thường mà thậm chí nó là căn bệnh trầm kha trong doanh nghiệp. Trong cuốn sách Một đời quản trị, giáo sư Phan Văn Trường từng nhắc đến hiện tượng này.
Theo ông, bệnh lười và trốn việc có đặc điểm là rất phổ biến, khó truy và khó bị phạt. Làm sao khiển trách một nhân viên viện cớ “Em phải xong việc bên tài chính nhờ, rồi em sẽ vào việc của anh ngay”! Chẳng lẽ đi kiểm tra? Nhưng thực ra, nếu muốn quản trị tốt thì lãnh đạo phải thực sự kiểm tra vì tội nói dối trong công ty không thể bỏ qua.
Ở địa vị sếp trực tiếp hay sếp trên cao chăng nữa, đều nên truy tiếp, nhưng với cách nói nhẹ nhàng, ví dụ “Để anh bảo bên tài chính ưu tiên anh”… Ở trong doanh nghiệp, bất cứ việc gì cũng phải kiểm chứng, vì một lý do đơn giản: nhân viên rất dễ “nhờn”, và thường hay thử sếp trước khi trốn việc.
Một loại khác khá phổ biến là đẩy việc sang một đơn vị cũng liên quan đến vấn đề (vì có vấn đề nào không liên quan đến nhiều đơn vị đâu?): “Vâng, em sẽ vào việc ngay sau khi đi Hàn Quốc về. Trong khi chờ đợi, ở đội hành chính có cô Hằng rất thạo việc này, mỗi lần giao cho cô ấy là việc xong ngay”. Hoặc, nếu mạnh miệng hơn thì nói với sếp: “Anh nên giao việc này cho đội ở lầu 4. Họ quản lý trực tiếp đấy, em mà vào việc, trên đó sẽ gây chuyện với em”.
Một ngàn lý do đều nghe chính đáng và bùi tai. Khi làm sếp, bạn phải cẩn thận, vì loại người này luôn luôn có sẵn cách để đẩy việc cho người khác. Cũng vì những lý do đó tôi khuyên bạn nên tập trung trên người mà mình đã chọn. Một trong những cách để thử người là bạn hẹn nhân viên họp lúc 6g30 sáng hoặc sau 19 giờ rồi xem họ phản ứng ra sao. Người lười sẽ nhăn nhó khi có đề nghị dậy sớm về khuya.
Nhưng ngược lại, giáo sư Trường cũng cảnh báo: Không nên dồn quá nhiều việc cho những nhân viên “dễ nghe lời”. Những nhân viên này thường không biết từ chối việc, sợ mang tiếng là dốt hoặc lười. Cũng vì vậy mà họ bị lợi dụng, và thường có gấp ba số việc của người khác. Có bao nhiêu việc chăng nữa họ cũng không từ chối. Nhưng sau đó, họ sẽ cố gắng quá sức chịu đựng và hậu quả về lâu về dài họ sẽ thấy công ty bất công với mình.
Điều này xảy ra thì lỗi ở nơi bạn. Bạn có bổn phận che chở những “thân lừa ôm việc”. Những nhân viên “gian manh” luôn luôn tìm cách sống bên cạnh những con lừa ôm đồm này để đổ việc.
Theo Trí Thức Trẻ