Kaizen, 5S là gì? Văn hóa quản lý đáng học hỏi từ các công ty Nhật

Các doanh nghiệp của Nhật thành công trên nhiều lĩnh vực vì đa số họ đều sử dụng triết lý Kaizen và nguyên tắc 5S trong lao động. Vậy 5S là gì, Kaizen là gì và làm thế nào mà các phương pháp này có thể đưa các doanh nghiệp Nhật phát triển mạnh đến thế,… đây có lẽ là những câu hỏi được nhiều người quan tâm, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết bên dưới.

Nguyên tắc 5S

5S là nền tảng cơ bản để thực hiện các hệ thống đảm bảo chất lượng xuất phát từ quan điểm: Nếu làm việc trong một môi trường lành mạnh, sạch đẹp, thoáng đãng, tiện lợi thì tinh thần sẽ thoải mái hơn, năng suất lao động sẽ cao hơn và có điều kiện để việc áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả hơn. Phương pháp 5S được phát mình bởi người Nhật và họ cũng rất tự hào khi cả thế giới áp dụng phương pháp này của họ. Là một công cụ mang tính nền tảng căn bản, 5S được diễn giải như sau:

Kaizen, 5s là gì

1. Sàng lọc (Seiri):

Mọi thứ (vật dụng, thiết bị, nguyên vật liệu, đồ dùng hỏng …) không/chưa liên quan, không/chưa cần thiết cho hoạt động tại một khu vực sẽ phải được tách biệt ra khỏi những thứ cần thiết sau đó loại bỏ hay đem ra khỏi nơi sản xuất. Chỉ có đồ vật cần thiết mới để tại nơi làm việc. S1 thường được tiến hành theo tần suất định kì.

2. Sắp xếp (Seiton):

Sắp xếp là hoạt động bố trí các vật dụng làm việc, bán thành phẩm, nguyên vật liệu, hàng hóa … tại những vị trí hợp lý sao cho dễ nhận biết, dễ lấy, dễ trả lại. Nguyên tắc chung của S2 là bất kì vật dụng cần thiết nào cũng có vị trí quy định riêng và kèm theo dấu hiệu nhận biết rõ ràng. S2 là hoạt động cần được tuân thủ triệt để.

3. Sạch sẽ (Seiso):

Sạch sẽ được hiểu là hoạt động vệ sinh nơi làm việc, dụng cụ làm việc hay các khu vực xung quanh …. S3 cũng là hoạt động cần được tiến hành định kì.

4. Săn sóc (Sheiketsu):

Săn sóc được hiểu là việc duy trì định kì và chuẩn hóa 3S đầu tiên một cách có hệ thống. Để đảm bảo 3S được duy trì, người ta có thể lập nên những quy định chuẩn nêu rõ phạm vi trách nhiệm 3S của mỗi cá nhân, cách thức và tần suất triển khai 3S tại từng vị trí. S4 là một quá trình trong đó ý thức tuân thủ của CBCNV trong một tổ chức được rèn rũa và phát triển.

5. Sẵn sàng (Shitsuke):

Sẵn sàng được thể hiện ở ý thức tự giác của người lao động đối với hoạt động 5S. Các thành viên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của 5S, tự giác và chủ động kết hợp nhuần nhuyễn các chuẩn mực 5S với công việc để đem lại năng suất công việc cá nhân và năng suất chung của Công ty cao hơn.

Đối tượng áp dụng

5S là một công cụ mang tính nền tảng với mục đích hướng đến tạo ra một môi trường làm việc khoa học và giảm/loại bỏ các lãng phí trong các hoạt động. Vì đây chính là mong muốn chung của các tổ chức/doanh nghiệp nên 5S có thể áp dụng cho mọi tổ chức/doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp hay dịch vụ.

Ý nghĩa của hoạt động 5S

• Đảm bảo sức khoẻ của nhân viên
• Dễ dàng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian trong quá trình làm việc
• Tạo tinh thần làm việc và bầu không khí cởi mở
• Nâng cao chất lượng cuộc sống
• Nâng cao năng suất

Bắt nguồn từ truyền thống của Nhật bản, ở mọi nơi, trong mọi công việc, người Nhật luôn cố gắng khơi dậy ý thức trách nhiệm, tự nguyện, tính tự giác của người thực hiện các công việc đó. Người Nhật luôn tìm cách sao cho người công nhân thực sự gắn bó với công việc của mình. Ví dụ, trong phân xường, người quản lý sẽ cố gắng khơi dậy ý thức trong người công nhân đây là “công việc của tôi”, “chỗ làm việc của tôi”, “máy móc của tôi”. Từ đó người lao động sẽ dễ dàng chấp nhận chăm sóc “chiếc máy của mình”, “chỗ làm việc của mình” và cố gắng để hoàn thành “công việc của mình” một cách tốt nhất.

Lợi ích áp dụng

1. 5S giúp tạo ra một môi trường làm việc thuận tiện, thoải mái cho mọi vị trí
2. 5S giúp giảm thiểu/loại bỏ các lãng phí tại các công đoạn công việc trong một quá trình như rút ngắn thời gian vận chuyển, thời gian tìm kiếm, loại bỏ các lỗi chủ quan của con người, …
3. 5S giúp giảm thiểu các chi phí hoạt động từ đó nâng cao ưu thế cạnh tranh
4. Với một môi trường làm việc thông thoáng và khoa học, 5S giúp nâng cao an toàn sản xuất và phòng ngừa các rủi ro một cách chủ động
5. Ý thức làm việc vì lợi ích tập thể được nhận thức rõ và nâng cao; tăng cường tính đoàn kết, gắn bó giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa nhân viên với nhân viên
6. Khuyến khích sự sáng tạo và cải tiến của các CBCNV thông qua 5S
7. Tạo dựng, củng cố và nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp của Công ty trong con mắt khách hàng.

KAIZEN

Kaizen là một thuật ngữ kinh tế của người Nhật, được ghép bởi từ 改 (“kai”) có nghĩa là thay đổi và từ 善 (“zen”) có nghĩa là tốt hơn, tức là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là “ongoing improvement” hoặc “continuous improvement” và trong tiếng Trung, Kaizen được phát âm là Gansai, nghĩa là hành động liên tục cải tiến, mang lại lợi ích vì tập thể hơn là lợi ích của cá nhân. Với bất kỳ người làm việc nào làm trong môi trường có ý thức Kaizen thì họ đều không ngừng cải tiến, việc cải tiến này không phải những vấn đề lớn lao mà từ những việc thật bình thường và cơ bản phải bắt đầu từ những thứ ở ngay quanh chúng ta trước đó là 5S. Cải tiến hiện trường nhờ tính kỷ luật sẽ hình thành thói quen trong ý thức cải tiến của mọi người – thành công nằm ở điểm này.

kaizen 5s là gi

Lợi ích của phương pháp Kaizen

Lợi ích hữu hình:

+ Tích luỹ các cải tiến nhỏ trở thành kết quả lớn;
+ Giảm các lãnh phí, tăng năng suất.

Lợi ích vô hình:

+ Tạo động lực thúc đẩy cá nhân có các ý tưởng cải tiến;
+ Tạo tinh thần làm việc tập thể, đoàn kết;
+ Tạo ý thức luôn hướng tới giảm thiểu các lãng phí;
+ Xây dựng nền văn hoá công ty.

Kaizen, 5s là gì

Thực hiện Kaizen:

Các bước thực hiện Kaizen tuân thủ theo vòng PDCA. Từ bước 1 đến bước 4 là Plan (kế hoạch), bước 5 là Do (thực hiện), bước 6 là Check (kiểm tra) và bước 7, 8 là Act (hành động khắc phục hoặc cải tiến). Các bước thực hiện Kaizen giúp chúng ta giải quyết vấn đề dựa trên việc phân tích dữ liệu. Các bước thực hiện Kaizen được tiêu chuẩn hoá như sau:

Bước 1 : Lựa chọn chủ đề
Bước 2 : Tìm hiểu tình trạng hiện tại và xác định mục tiêu
Bước 3 : Phân tích dữ kiệu đã thu thập để xác định nguyên nhân gốc rễ.
Bước 4 : Xác định biện pháp thực hiện dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu.
Bước 5 : Thực hiện biện pháp
Bước 6 : Xác nhận kết quả thực hiện biện pháp
Bước 7 : Xây dựng hoặc sửa đổi các tiêu chuẩn để phòng ngừa tái diễn.
Bước 8 : Xem xét các quá trình trên và xác định dự án tiếp theo.

Summary
Kaizen, 5S là gì? Văn hóa quản lý đáng học hỏi từ các công ty Nhật
Article Name
Kaizen, 5S là gì? Văn hóa quản lý đáng học hỏi từ các công ty Nhật
Description
Kaizen là gì, 5s là gì và nó đã giúp ích cho nền kinh tế Nhật như ngày hôm nay theo cách nào,... đây có lẽ là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Author
Publisher Name
VnResource
Publisher Logo