Bộ Chính trị chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương về dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021.
Sáng 2/5, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở 6 vấn đề để các đại biểu thảo luận.
Đề cập về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tổng bí thư cho biết thời gian qua Bộ Chính trị đã sớm chỉ đạo triển khai việc xây dựng Đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Sau khi được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thông qua Đề án, Bộ Chính trị đã khẩn trương chuẩn bị để trình Hội nghị Trung ương lần này cho ý kiến về dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Với tinh thần trách nhiệm cao, các ủy viên Trung ương đã tích cực tham gia phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch. Tổng hợp kết quả phát hiện, giới thiệu, bước đầu cho thấy nguồn cán bộ khá dồi dào về số lượng, có đủ 3 độ tuổi cho các chức danh, trong đó có khá nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Tại hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự cụ thể đưa vào quy hoạch, sau đó giao cho Bộ Chính trị căn cứ ý kiến của Trung ương cân nhắc, quyết định.
Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Tổng bí thư lưu ý cần làm rõ vì sao ở một số nơi vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức Đảng chưa được phát huy đầy đủ; hiệu quả quản lý nhà nước chậm được nâng cao; việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội chưa mạnh, tình trạng “hành chính hóa” chậm được khắc phục?
Tổng bí thư yêu cầu làm rõ vì sao cải cách hành chính chưa đạt được kết quả mong muốn; bộ máy tổ chức và tổng biên chế tiếp tục phình to, nhất là ở cấp tổng cục, các đơn vị trực thuộc bộ và chính quyền cơ sở. Tình trạng “tách ra, nhập vào,” “nhập vào, tách ra” vẫn lặp đi lặp lại. Vấn đề biên chế, phụ cấp cho cán bộ cơ sở vẫn chưa có lời giải… Trên cơ sở đánh giá, phân tích những mặt hạn chế, yếu kém đó, Tổng bí thư yêu cần có giải pháp để khắc phục một cách cơ bản.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh:Chinhphu.vn. |
Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tổng bí thư nêu rõ, thời gian qua, cán bộ, đảng viên và đông đảo tầng lớp nhân dân đã tích cực góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp. Hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng trong xã hội. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã chỉ đạo tập hợp, tổng hợp, phân loại, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng; phân tích, giải trình lý do không tiếp thu những ý kiến góp ý chưa phù hợp. Bộ Chính trị đã thảo luận, có ý kiến chỉ đạo định hướng cho việc tiếp thu, giải trình.
Tổng bí thư đề nghị các đại biểu bám sát Cương lĩnh của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, nhất là Hội nghị Trung ương 2 và 5 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật sâu các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu và bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà Ủy ban sửa đổi Hiến pháp trình, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng.
Theo Tổng bí thư, tinh thần chung của việc sửa đổi là phải chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Tổng bí thư khẳng định, Hiến pháp sửa đổi phải tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và đạt được sự thống nhất cao. Đối với những vấn đề mới hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, Trung ương cần xem xét, trao đổi thật kỹ để có phương án tiếp thu, giải trình phù hợp.
Về Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tổng bí thư chỉ rõ, sau hơn một năm thực hiện, Ban Chấp hành trung ương cần sơ kết để kịp thời rút kinh nghiệm và có những nhận định, đánh giá thống nhất, tạo sự đồng thuận cao, làm cơ sở cho việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa nghị quyết.
Tổng bí thư nhấn mạnh những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này đều là vấn đề rất khó, nhưng rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho cả các nhiệm kỳ tiếp theo. Tổng bí thư đề nghị Trung ương và các đại biểu tham dự hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Theo chương trình dự kiến, hội nghị làm việc đến ngày 11/5.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định, cho ý kiến về các vấn đề: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và một số vấn đề quan trọng khác. |
Theo TTXVN/Vietnam+