Hội chứng brownout – chán nản công việc và những lời khuyên hữu ích

Hội chứng brownout – chán nản công việc, nói một cách đơn giản là suy giảm năng lượng làm việc, chán nản với công việc mặc dù sức khỏe vẫn hoàn toàn ổn định. Đây không phải là tình trạng hiếm gặp, hầu như ai cũng đều từng rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi và không hề hào hứng với công việc. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của bạn cũng như tiến độ công việc chung. Bài viết sau sẽ làm rõ hội chứng này cùng những lời khuyên giúp bạn đánh tan sự chán nản, lấy lại cảm giác vui vẻ, thoải mái trong công việc.

Brownout – căn bệnh ám ảnh dân văn phòng

Hội chứng này có tên là brownout, hay nói theo một cách đơn giản là suy giảm năng lượng làm việc, chán nản với công việc mặc dù sức khỏe vẫn hoàn toàn ổn định. Ngày nay, người ta đánh giá cao làm việc là một cách để thể hiện bản thân. Tuy nhiên, ôm việc càng nhiều lại càng làm cho chúng ta đôi khi cảm thấy không biết nên tập trung vào việc gì. Điều này dẫn tới một cảm giác vô dụng.

hoi-chung-brownout-chan-nan-cong-viec-va-nhung-loi-khuyen-huu-ich

Năm 2013, nhà khoa học người Mỹ David Graeber có nói về những việc nhảm nhí “bullshit jobs” là những việc vô nghĩa, tốn thời gian, không cần thiết, đặc biệt liên quan đến các ngành dịch vụ (nhân sự, quản lý, truyền thông, tư vấn…).

Thậm chí, tác giả cuốn sách Trong văn phòng, chẳng có ai nghe thấy tiếng bạn hét, Marc Estat – nguyên giám đốc của một công ty đa quốc gia chia sẻ rằng: “Có những ngày lặp đi lặp lại một cách chán ngắt, nhiều hôm kết thúc bằng một cuộc họp chẳng mấy ai quan tâm, mà người ta còn sử dụng những thuật ngữ kì cục, không phải là thuật ngữ riêng của công ty xuyên suốt cuộc họp. Đa số chúng ta đều dành phần lớn sức lực làm những việc vô nghĩa, đôi khi còn làm giảm năng suất công việc”.

Công cuộc tìm lại ý nghĩa công việc không của riêng ai

Với tình trạng này, nhiều công ty tỏ ra lo ngại về sức khỏe các nhân viên. Nhà xã hội học Aurelien Fouillet gợi ý: “Các ban lãnh đạo công ty có thể cho lắp đặt những ống trượt trong nhà như ở Google như là một hình thức thư giãn hay tổ chức các buổi đạp xe team building vào cuối tuần cho nhân viên. Các hoạt động này không chỉ giúp nhân viên có thời gian để xả stress mà còn như một hành động tâm lí buộc nhân viên nên cống hiến hết sức cho công ty. Có như thế, nhân viên mới không cảm thấy chán nản công việc và luôn muốn cố gắng hết mình, hơn nữa xóa đi khoảng cách giữa giám đốc và nhân viên”.

hoi-chung-brownout-chan-nan-cong-viec-va-nhung-loi-khuyen-huu-ich-1

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân viên tự mình thoát khỏi brownout bằng cách theo đuổi một đam mê khác. Laurence Oro-Messerli cho biết có rất nhiều người mong muốn được làm một công việc không liên quan gì đến những quy định ngặt nghèo, thậm chí họ muốn nghỉ việc và làm những công việc thủ công.

Bản thân cô là một người quản lý trẻ nhưng lại nuôi giấc mơ trở thành người sản xuất bia. Chính vì vậy, cứ cuối tuần cô lại làm bia phục vụ cho những bữa ăn gia đình, đồng thời thỏa mãn ước mơ của mình. Aurelien Fouillet cũng nói rằng có rất nhiều giám đốc điều hành thương mại và marketing dành thời gian để học đầu bếp, thiết kế nội thất hay tiếp quản trang trại gia đình, với mục đích cố gắng tìm lại ý nghĩa của cuộc đời.

Gặp phải brownout, tôi nên làm gì?

1. Xác định nguyên nhân

Muốn vượt qua cảm giác chán nản công việc, trước hết, bạn cần xác định được nguyên nhân khiến bạn chán nản. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, hoặc là do chính bản thân bạn hoặc do người khác. Nếu bạn quyết định thay đổi công việc vì muốn thoát khỏi những căng thẳng và áp lực, bạn có thể vẫn phải đối đầu với chúng ở công việc mới. Còn nếu bạn chán nản công việc vì những người xung quanh, hãy thử nói chuyện lại với họ để tìm hướng giải quyết.

2. Xác định lại mục tiêu nghề nghiệp của mình

Mục tiêu của bạn trong 2 năm tới, 5 năm tới là gì? Công việc hiện tại có khiến bạn đạt được điều đó? Khi chán công việc, hãy xem xét và xác định lại mục tiêu nghề nghiệp của mình để có động lực làm việc, hướng đến hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.

3. Làm mới bản thân

Khi đã chán công việc mà bạn vẫn cắn răng chịu đựng, cứ ngồi mãi một chỗ và thực hiện các công việc lặp đi lặp lại thì sự chán nản sẽ càng tăng cao. Hãy làm mới bản thân bằng cách giao tiếp với đồng nghiệp nhiều hơn, trò chuyện với cấp Quản lý, tích cực tham gia các hoạt động do đơn vị tổ chức, nhận những nhiệm vụ mới, những thách thức mới để thay đổi môi trường làm việc sẽ khiến bạn cảm thấy hào hứng hơn.

hoi-chung-brownout-chan-nan-cong-viec-va-nhung-loi-khuyen-huu-ich-2

4. Thay đổi thái độ làm việc

Nếu bạn chỉ làm việc để hoàn thành trách nhiệm được giao và không quan tâm kết quả, không hứng thú với công việc thì sẽ rất dễ bị chán công việc. Thay vào đó, bạn nên thay đổi thái độ với công việc, làm việc hăng say, nhiệt huyết để cảm thấy công việc của mình thú vị và ý nghĩa hơn.

5. Thay đổi vị trí làm việc

Bạn đã thử nhiều cách trên nhưng vẫn cảm thấy chán công việc? Vậy thì hãy thử thay đổi vị trí làm việc vì có thể, công việc, vị trí hiện tại không phù hợp với kinh nghiệm, trình độ của bạn. Chuyển sang vị trí mới với những cơ hội mới, thách thức mới sẽ là giải pháp để bạn tìm lại cảm hứng trong công việc.

6. Tiếp tục trau dồi bản thân

Kinh nghiệm non kém, trình độ chuyên môn chưa vững… khiến bạn không thể hoàn thành tốt công việc, cấp trên phàn nàn, khiển trách cũng là lí do làm bạn chán công việc. Lúc này, bạn nên tạm thời hoãn công việc, ước mơ lại và tập trung cho việc trau dồi kiến thức, kỹ năng. Nếu bạn muốn theo nghề Đầu bếp, hãy đăng ký tham gia các khóa học nấu ăn hoặc nếu bạn muốn nâng cao tay nghề làm bánh, các khóa học làm bánh sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân. Chỉ khi nào có sự chuẩn bị và tự tin nhất, bạn mới có thể làm việc tốt và sẵn sàng đương đầu với những thử thách trong công việc.

7. Cho bản thân nghỉ ngơi

Nếu bạn đã làm việc liên tục trong suốt thời gian dài mà chưa được nghỉ ngơi, hãy tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ, một chuyến du lịch dài ngày hoặc ngắn ngày. Đây là dịp để bạn thư giãn, xua tan sự mệt mỏi, nạp lại năng lượng cho tinh thần và cơ thể.

hoi-chung-brownout-chan-nan-cong-viec-va-nhung-loi-khuyen-huu-ich-3

8. Đừng quá quan trọng vị trí hay tiền bạc

Vị trí, tiền bạc là hai mục tiêu quan trọng để bạn cố gắng trong công việc nhưng đôi khi, cũng chính hai yếu tố này khiến bạn mệt mỏi, chán nản. Đặt ra mục tiêu quá cao về lương thưởng, cấp bậc, bạn sẽ bị cuốn vào nó, làm việc hết sức để đạt được và nếu thất bại, bạn cảm thấy hụt hẫng, chán nản từ đó dẫn đến không còn hứng thú, nhiệt tình nữa bởi bạn cho rằng, có cố gắng bao nhiêu thì cuối cùng mọi thứ cũng vẫn trở về số không.

9. Cân bằng công việc và cuộc sống

Chán công việc không chỉ do bạn thiếu kinh nghiệm hay trình độ chuyên môn mà còn có thể do bạn không biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống khiến cơ thể, tinh thần lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Lời khuyên dành cho bạn đó chính là dù có bận rộn đến đâu cũng đừng quên dành thời gian cho gia đình và để bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn…

10. Thay đổi góc độ, suy nghĩ đa chiều

Học cách biết hài lòng với những gì mình có, đối đãi tốt với chính mình cũng là cách để bạn luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Khi gặp khó khăn, chán nản, bạn nên suy nghĩ nó theo hướng tích cực hơn, tốt đẹp hơn như một cách xoa dịu chính mình lúc tinh thần xuống dốc cực độ. Sự phủ định bản thân cực đoan sẽ khiến cho ý chí theo đuổi công việc bị suy giảm.

Đó là 10 lời khuyên để phá tan cảm giác chán công việc mà bạn có thể tham khảo, áp dụng cho mình. Chúng ta chỉ có thể làm việc tốt, đạt kết quả cao và được ghi nhận khi chúng ta làm việc bằng sự say mê, nhiệt huyết và sẵn sàng chấp nhận thử thách.