Đóng BHXH tự nguyện từ ngày 04-04-2016: có 6 phương thức lựa chọn

Vừa qua, nhiều bạn đọc thắc mắc khi nào mới thực hiện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện nhiều lần hoặc một lần cho những tháng còn thiếu để được hưởng lương hưu, thủ tục và mức đóng thế nào, lương hưu được bao nhiêu?

Xung quanh vấn đề này, ông Cao Văn Sang – giám đốc BHXH  TP.HCM – nói:

– Ngày 18-2-2016, Bộ Lao động – thương binh và xã hội ban hành thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH (gọi tắt thông tư 01) quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện theo quy định mới cho người lao động tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng đóng BHXH chưa đủ năm và cho người dân tham gia BHXH tự nguyện. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 4-4-2016.

* Thưa ông, ai được tham gia BHXH tự nguyện và phương thức đóng thế nào?

– Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân VN từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong sáu phương thức đóng: đóng hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

* Nếu đã đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu nhưng đóng BHXH chưa đủ năm thì phải đóng thế nào và thời điểm được hưởng lương hưu ra sao?

– Trường hợp người tham gia BHXH bắt buộc đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi) mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm, nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức nói trên cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu sớm theo quy định.

Thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

* Ông có thể nói rõ hơn mức đóng khi tham gia BHXH tự nguyện thế nào?

– Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

Cụ thể, mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Riêng mức đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm theo quy định được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Trường hợp đóng một lần cho những năm còn thiếu của người đã đủ tuổi hưu nhưng thời gian tham gia BHXH chưa đủ thì áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

* Nếu người tham gia BHXH tự nguyện chẳng may qua đời hay chuyển sang đóng BHXH bắt buộc có được hoàn trả tiền đã đóng?

– Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó nếu thuộc một trong các trường hợp sau: thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hưởng BHXH một lần, bị chết hoặc tòa án tuyên bố đã chết.

Số tiền hoàn trả cụ thể được tính dựa trên các dữ liệu: mức đóng, lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng, số năm đã đóng, số tháng còn lại chưa đóng của phương thức đóng mà người tham gia chọn lựa…

* Ông có thể cho biết mức lương hưu tối thiểu, trung bình và tối đa của người tham gia BHXH tự nguyện? Khi có lương hưu rồi có được cấp thẻ bảo hiểm y tế hưu trí như cán bộ hưu trí hay không?

– Khi tham gia BHXH tự nguyện và hội đủ các điều kiện hưởng lương hưu trí, người tham gia BHXH tự nguyện có được thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cơ bản cuộc sống khi về già không còn sức lao động.

Ngoài ra còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế hưu trí để khám chữa bệnh khi ốm đau. Về mức lương hưu được nhận hằng tháng, tùy theo mức đóng và số năm đóng. Cách tính như đối với BHXH bắt buộc, chỉ khác là không giới hạn mức thấp nhất phải bằng mức lương cơ sở (tức có thể thấp hơn nếu mức đóng thấp, thời gian đóng ít).

* Nhiều người đã đủ tuổi hưu từ trước ngày thông tư 01 có hiệu lực nhưng họ chưa được đóng BHXH tự nguyện từ tháng 1-2016 vì BHXH không thu. Như vậy có thiệt thòi cho người tham gia BHXH không?

– Do thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 4-4 nên BHXH TP chỉ có thể thu từ ngày này trở đi. Vì thế, những người đủ tuổi từ tháng 1, 2 hoặc 3-2016 cũng chỉ có thể hưởng lương hưu từ 1-5-2016 (nếu đóng đủ trong tháng 4-2016).

Chính vì yêu cầu này của người dân mà BHXH TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn thu BHXH tự nguyện từ ngày 31-3, dù đến nay BHXH TP chưa nhận được bản chính của thông tư 01 (chỉ đọc được trên mạng) và chưa có chỉ đạo, hướng dẫn từ BHXH Việt Nam.

Chúng tôi sẽ xin ý kiến của BHXH Việt Nam để truy trả thêm các tháng trước đó cho những trường hợp này (nếu được đồng ý).

Mức hỗ trợ người nghèo, cận nghèoTheo quy định của Chính phủ, từ ngày 1-1-2018 Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện cho các đối tượng sau: hỗ trợ 30% mức đóng với người thuộc diện hộ nghèo, 25% với người cận nghèo, 10% với các đối tượng khác.Theo đó, mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng cho người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2018-2020 là: 46.200 đồng/tháng với người nghèo, 38.500 đồng/tháng với người cận nghèo và 15.400 đồng/tháng với các đối tượng khác.

Thủ tục tham gia BHXH tự nguyệnNgười dân cần đến các đại lý thu BHXH tự nguyện tại bưu điện quận, huyện để mua BHXH tự nguyện và được hướng dẫn làm thủ tục đóng BHXH một lần để hưởng lương hưu.Thủ tục gồm có: tờ khai đăng ký tham gia BHXH (đăng ký lần đầu), sổ BHXH (nếu đã từng tham gia BHXH), tờ khai thay đổi thông tin người tham gia (nếu thay đổi mức đóng, phương thức đóng).Đối với các trường hợp có yêu cầu đóng ngay một lần cho số tháng còn thiếu trong tháng 4-2016 để giải quyết ngay chế độ hưu trí thì có thể đóng và nộp yêu cầu hưởng chế độ hưu trí tại cơ quan BHXH quận, huyện nơi cư trú.

Theo báo Tuổi Trẻ