Doanh nghiệp và người lao động: Ai sở hữu sáng chế?

Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là quan hệ cung ứng sức lao động. Tuy vậy, sức lao động có bao gồm sức sáng tạo hay không vẫn là một câu hỏi không dễ trả lời. Người sử dụng lao động (trong phạm vi bài viết chỉ đề cập đến người sử dụng lao động là doanh nghiệp) và người lao động ràng buộc với nhau bởi hợp đồng lao động.

Trong quan hệ hợp đồng này, người lao động cung ứng sức lao động của mình để nhận về một khoản tiền tương ứng. Sức lao động đó được sử dụng vào những công việc do hai bên thỏa thuận. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có một cơ sở pháp lý nào quy định những sáng chế được sáng tạo ra trong quá trình lao động có đương nhiên thuộc sở hữu của người sử dụng lao động hay không.

lanh-dao-xuat-sac-1388675511

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sau đây gọi là Luật SHTT), sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Cũng theo quy định của Luật SHTT, tổ chức có quyền đăng ký sáng chế khi đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Theo đó, trường hợp người lao động được người sử dụng lao động thuê hoặc giao việc nghiên cứu để tạo ra một sáng chế thì người sử dụng lao động có quyền nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Một khi đã có văn bằng bảo hộ, người sử dụng lao động được pháp luật công nhận là chủ sở hữu của sáng chế này. Người lao động trong trường hợp nêu trên có thể hưởng các quyền nhân thân liên quan đến sáng chế như được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế hay được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế và có thể được trả thù lao cho sáng chế mà mình tạo ra .

Tuy nhiên, đối với trường hợp người sử dụng lao động không thuê hay giao nhiệm vụ cho người sử dụng lao động mà người lao động nghiên cứu sáng tạo ra sáng chế thì lại chưa có quy định nào đề cập.

Trường hợp người lao động tạo ra sáng chế ngoài quá trình lao động, quan hệ lao động và thời gian lao động, người lao động cũng không sử dụng bất kỳ công cụ, phương tiện hay tiện ích nào của người sử dụng lao động thì sáng chế đó phải được xem là tài sản trí tuệ thuộc sở hữu riêng của người lao động.

Trường hợp ngược lại, sáng chế do người lao động tạo ra ngoài quan hệ lao động nhưng lại nhờ sử dụng những công cụ, phương tiện và tiện ích của người sử dụng lao động thì tùy thuộc vào nội quy lao động của người sử dụng lao động, các bên có thể thỏa thuận để xác định quyền sở hữu đối với sáng chế.

Hợp đồng lao động ghi nhận sự thỏa thuận của các bên trong các vấn đề liên quan đến lao động. Vì vậy, để tránh những tranh chấp không đáng có, ngay từ bước xây dựng và soạn thảo hợp đồng, các bên cần lưu tâm đến những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.