Năm 2016 nhiều quy định mới về phúc lợi nhân viên bắt đầu có hiệu lực và doanh nghiệp sử dụng lao động phải tuân thủ. Chúng tôi liệt kê 2 vấn đề quan trọng nhất.
1.Mức Đóng Bảo hiểm Xã hội Dựa Trên Cả Lương và Phụ Cấp
Như báo chí đã đưa tin, một thay đổi lớn của Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2014 là việc tính mức đóng Bảo Hiểm Xã Hội dựa trên cả tiền lương lẫn phụ cấp, thay vì chỉ căn cứ trên lương như hiện nay.
Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành đã hướng dẫn rõ thêm vấn đề này. Cụ thể, từ ngày 1 tháng 1 năm 2016, mức thu nhập hàng tháng dùng làm căn cứ tính mức đóng Bảo Hiểm Xã Hội như sau:
Giai đoạn Mức thu nhập hàng tháng làm căn cứ đóng Bảo Hiểm Xã Hội
Từ 01/01/2016 – 31/12/2017: Lương hợp đồng + phụ cấp lương theo hợp đồng
Từ 01/01/2018:Lương hợp đồng + phụ cấp lương theo hợp đồng + các khoản bổ sung khác theo hợp đồng.
Quy định mới, được giải thích nhằm tăng phúc lợi và lương hưu cho người lao động (khi nghỉ hưu trong 30-40 năm nữa), sẽ tăng lập tức và đáng kể chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.
Thêm nữa, nhằm đảm bảo quy định mới được chấp hành nghiêm, chính phủ đang gia tăng các hình thức xử phạt về nhiều mặt. Việc truy thu sẽ gắt gao và đồng bộ hơn. Các mức phạt tiền tăng lên, mức cao nhất lên đến 1 tỷ đồng cho mỗi vi phạm. Đặc biệt, lần đầu tiên, việc trốn tránh nghĩa vụ đóng Bảo Hiểm Xã Hội có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự, với mức tối đa 7 năm tù.
Vậy doanh nghiệp phải xoay sở thế nào để vừa tuân thủ quy định mới vừa không phát sinh thêm chi phí quá lớn?
Để tìm giải pháp cho vấn đề này, chúng ta cần nghiên cứu các quy định về lao động, tiền lương như Luật lao động (Điều 90, 93), Nghị định 05/2015 ngày 12/1/2015 (Điều 21), Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 (Điều 4).
Theo các quy định trên, “Phụ cấp lương” là các khoản để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ; các khoản phụ cấp gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
“Các khoản bổ sung khác” bao gồm các khoản xác định được mức tiền cụ thể và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương, cũng như các khoản không xác định được mức tiền cụ thể, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Ngoài ra, pháp luật về lao động còn quy định một hạng mục “Các chế độ và phúc lợi khác”, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; các khoản hỗ trợ khác mang tính hiếu hỉ khác. Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác này phải ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Như vậy, trong năm 2016 và 2017, các khoản thu nhập và phúc lợi thuộc 2 hạng mục “Các khoản bổ sung khác” và “Các chế độ và phúc lợi khác “ sẽ không đưa vào tính mức đóng Bảo Hiểm Xã Hội.
Sẽ có nhiều việc phải làm cho Phòng Nhân Sự và Tài chính Kế toán của doanh nghiệp. Cần ra soát lại cơ cấu lương và phụ cấp của người lao động theo từng bộ phận chức năng, từ đó có chiến lược tuân thủ phù hợp trong hoàn cảnh mới về pháp luật.
2. Lương Tối Thiểu Vùng Tăng 12.5%
Từ 01/01/2016, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 12.5% theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:
Vùng 1:
(các địa bàn “phát triển” hơn, gồm hầu hết các quận huyện thuộc Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; các thành phố và quận huyện thuộc Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu)
VND3,500,000
Vùng 2:
(các địa bàn “bình thường” bao gồm Đà Nẵng)
VND3,100,000
Vùng 3:
(các địa bàn “kém phát triển hơn”)
VND2,700,000
Vùng 4:
(các địa bàn vùng sâu vùng xa, khó khăn)
VND2,400,000
Mức lương tối thiểu áp dụng cho công nhân không có tay nghề và chưa qua đào tạo. Doanh nghiệp hoạt động trên nhiều địa bàn có thể áp dụng mức lương tối thiểu tương ứng với từng địa bàn.
Theo Business Insight Newsletter