Những người đi làm thường phạm một sai lầm lớn là thích trì hoãn, do dự khi nhảy việc và không nhanh chóng thay đổi bản thân dù nhận ra điều đó rất cần thiết. Chính kiểu suy nghĩ chờ đợi “nước đến chân mới nhảy” hoặc “để mai tính” đã vô tình đẩy chúng ta rơi vào những tình huống dở khóc dở cười, thậm chí không còn cơ hội để bứt phá vươn lên.
Làm thế nào có thể phát triển bản thân, sự nghiệp trong khi chúng ta cứ mãi đứng yên và chờ đợi một điều gì đó để thúc đẩy “một bước lên mây”? Làm thế nào có thể gặt hái được thành công khi cứ chần chừ và kháng cự với lý do “ngày mai hãy làm”? Chờ đến bao giờ và có chắc sẽ không có những ngày mai khác? Phải chăng cứ chờ đợi là điều tốt đẹp sẽ đến, như dịch bệnh từ Covid – 19 là một ví dụ điển hình. Dịch bệnh khiến mọi thứ ngưng trệ, công việc ảnh hưởng nghiêm trọng và khiến không ít người đi làm đứng ngồi không yên, ngậm ngùi tiếc nuối “phải chi nhảy việc sớm hơn”, “giờ muốn đi không được, ở cũng không xong”, “biết vậy mình sẽ trau dồi thêm kỹ năng”… Đây cũng chính là bài học thiết thực nhất cho những ai có tư duy “nước tới chân mới nhảy”.
Bài học thứ 1: Đừng chần chừ khi nhảy việc
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, có rất nhiều bạn gặp khó khăn khi không đưa ra quyết định nghỉ việc sớm hơn. Phải ở lại công ty cũ đối mặt với những nguyên nhân khiến bạn muốn rời đi và không thể tìm được công ty mới bởi dường như mọi hoạt động tuyển dụng đều dừng hẳn.
Nhảy việc luôn là quyết định mang tính hứa hẹn bởi những cơ hội thăng tiến, nhưng nó cũng chứa đựng nhiều rủi ro khiến bạn phải đắn đo không kém. Do đó, bạn cần xem xét thật cẩn thận mọi thứ trước khi đưa ra quyết định nhảy việc và khi đã có quyết định cần nhanh chóng thực hiện, không nên day dưa kéo dài, bởi sự chần chừ chỉ khiến bạn tự đẩy mình vào tình thế khó xử.
Ngoài dịch bệnh thì những yếu tố không thể lường trước luôn tồn tại và sẵn sàng bao vây chúng ta bất cứ lúc nào. Nên nếu như bạn không có định hướng rõ ràng hay nhanh chóng thực hiện những điều mình mong muốn, bạn sẽ bỏ qua cơ hội có một không hai. Khi còn trẻ, bạn hãy nhớ rõ điều này “hãy hối hận về những điều mình đã làm, đừng nên hối hận vì những điều mình đã không làm”.
Vì thế, trước tiên là xác định rõ ràng công việc hiện tại có phù hợp không. Nếu yêu thích hãy nhiệt huyết, phát huy tối đa bản thân và hoàn thành một cách thật trách nhiệm. Còn nếu không thích, hãy mạnh dạn thay đổi công việc. Bởi người chuyên nghiệp luôn có cách ứng xử thật tốt trước mọi tình huống. Thêm nữa, bạn cũng cần nhìn lại sự hiểu biết và các kỹ năng của bản thân. Vạch rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình sẽ giúp bạn vững tin hơn trước lựa chọn của mình.
Bài học thứ 2: Dừng ngay suy nghĩ “từ từ học hỏi và thay đổi”
Có những người luôn bảo muốn thay đổi bản thân nhưng chẳng bao giờ chịu bắt đầu, mãi trì hoãn với câu cửa miệng “từ từ” hoặc “ngày mai”. Nhưng chúng ta nào biết đó là sai lầm tai hại khiến chúng ta không thể gặt hái được nhiều thành tích trong sự nghiệp và cuộc sống. Bạn sẽ không rèn luyện được những kỹ năng ứng biến, xử lý hoặc đơn giản là nâng cao kỹ năng nếu không chịu thay đổi.
Không thành công nào dễ dàng đạt được, vì vậy nếu bạn cứ an nhàn và chôn vùi ngày tháng với sự nhàm chán, tạm bợ, không chịu học hỏi, thì cuộc sống của bạn sẽ thật tệ hại. Bạn phải nhìn nhận rằng, cuộc sống không nhàm chán, công việc không nhàm chán, sự nhàm chán là chính ở bản thân bạn không chịu thay đổi, thích trì hoãn và không có định hướng rõ ràng. Mọi thứ trong cuộc sống đều công bằng, chúng ta muốn bản thân thật xuất sắc, muốn gặt hái được thành công, chúng ta phải trả một cái giá ‘xuất sắc’ không kém. Đó chính là việc chủ động và cố gắng thay đổi, phát triển bản thân.
Ngay từ bây giờ, thiếu hay yếu kỹ năng nào hãy bắt đầu học hỏi và hoàn thiện. Ngoài học, thì việc thường xuyên rèn luyện, trau dồi với mọi người xung quanh cũng vô cùng quan trọng. Đừng bao giờ biến mình thành “ếch ngồi đáy giếng”. Cũng đừng quên đặt ra mục tiêu để có thêm động lực hành động nhé!
Với những bài học rút ra trong mùa dịch Covid-19 như trên, điều tiên quyết để bạn sống sót trong mọi môi trường chính là kiến thức và kỹ năng. Vì thế, hãy luôn trang bị cho mình và giữ tâm thế luôn sẵn sàng đối mặt thử thách. Bởi “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mọi thách thức sẽ mang lại cho bạn nhiều kinh nghiệm quý giá ứng phó với những tình cảnh tệ nhất có thể xảy ra.
Nguồn: HR Insider