Làm sếp là một vị trí, cũng là một công việc và nếu đã là công việc thì sẽ có người làm tốt, có người chưa tốt. Bên cạnh đó, để thành công – ở đây là trở thành một người lãnh đạo hiệu quả, việc quản lý nhân viên cũng cần có những kỹ năng và bí quyết, học hỏi từ những người thành công đi trước cũng sẽ là một cách tốt để phát triển bản thân. Trong cuốn sách Con đường thăng tiến, nhà sáng lập này đã chia sẻ nhiều điều quan trọng đối với một nhân viên cũng như người trên cương vị quản lý.
Bắt đầu trong một căn hộ hai phòng nhỏ, tập đoàn Panasonic (tiền thân là công ty Matsushita) đã phát triển thành một trong những công ty điện tử thành công nhất trên thế giới. Người sáng lập Konosuke Matsushita của tập đoàn này đã xây dựng đế chế của mình từ cuộc cách mạng sản xuất ổ cắm 2 chấu vào năm 1918 và mong muốn tạo ra những thứ có giá trị để cải thiện cuộc sống.
Konosuke Matsushita
Konosuke Matsushita, người quản lí hơn 500 doanh nghiệp con, lớn mạnh nổi tiếng khắp toàn cầu chính là người biết vận dụng sức thu hút của bản thân để khích lệ nhân viên. Trong cuốn sách Con đường thăng tiến, nhà sáng lập nổi tiếng này cũng chia sẻ nhiều điều quan trọng trong quản lý nhân viên hiệu quả ở một nhà quản trị.
Đừng đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới
Trong công ty, nếu bộ phận nào cũng có thành tích bình thường thì toàn bộ công ty sẽ rất khó khởi sắc. Có lần Konosuke Matsushita đã hỏi trưởng phòng của một bộ phận về nguyên nhân tại sao lại như thế, nhưng câu trả lời tôi nhận được là gì?
Anh ta nói mình đã cố hết sức nhưng thành tích của bộ phận vẫn không tốt lên, chủ yếu là vì có vài trưởng nhóm không chịu làm theo chỉ đạo.
“Tôi biết, thực tế đúng như những gì người trưởng phòng đó nói. Thế nhưng, phải chăng vì thế mà tôi có thể chấp nhận cách trả lời của anh ta?”, Konosuke Matsushita đặt câu hỏi.
Trong công ty, mỗi bộ phận đều có những vị trí quan trọng mà ai đó phải đảm nhận. Người trưởng phòng chính là người chịu trách nhiệm cao nhất, giữ vị trí quan trọng nhất, dẫn dắt toàn bộ nhân viên trong bộ phận cùng đi theo đúng định hướng của công ty.
Nếu như có ai đó không tuân theo sự chỉ đạo, làm ảnh hưởng đến sứ mệnh chung mà mọi người cùng phải gánh vác và phải hoàn thành, ảnh hưởng đến kế hoạch chung của cả bộ phận, trưởng bộ phận nên tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Nếu thấy cần thiết, không nên tiếc nuối mà phải lập tức thay thế người cũ bằng những nhân viên có liên quan và đặc biệt, không thể để một vài người kéo doanh số của cả bộ phận xuống được. Đây là trách nhiệm của một trưởng bộ phận.
“Khi gặp những cấp dưới cứng đầu không nghe theo sự phân công, trưởng phòng nên làm thế nào?”, Konosuke Matsushita đặt ra tình huống khá phổ biến và hầu như đều sẽ gặp trong quá trình quản lý nhân viên. Trưởng phòng nên trình bày vấn đề với tổng giám đốc hoặc cấp lãnh đạo của công ty và đưa ra đề xuất: Người đó không phù hợp để làm việc trong bộ phận của tôi, vì vậy nên cho cậu ta làm việc ở bộ phận khác để phát huy tối đa khả năng của cậu ta.
Việc đề nghị điều chuyển vị trí làm việc của nhân viên không đạt yêu cầu vừa có lợi cho chính bản thân anh ta mà cũng tốt cho cả công ty.
Khi cấp dưới không nghe lời, người ngoài nhìn vào sẽ cho rằng vì trưởng phòng xử sự hay làm việc không công tâm mới xảy ra tình trạng như thế. Để giữ thể diện cho mình, trưởng phòng thường không muốn trực tiếp đề xuất yêu cầu điều chuyển công tác lên lãnh đạo công ty. Anh ta coi sĩ diện của bản thân mình quan trọng hơn cả sứ mệnh và trách nhiệm mà anh ta phải gánh vác.
Bên cạnh đó, nếu trưởng phòng nhận ra mình không thể hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch mà công ty giao xuống thì cũng nên thoải mái trao đổi với tổng giám đốc hoặc lãnh đạo công ty: Tôi đã giữ chức trưởng phòng hơn một năm nhưng công việc không mấy tiến triển nên tôi thấy mình không phù hợp với chức vụ này nữa. Xin công ty giao nhiệm vụ khác cho tôi.
Đương nhiên, dù là đối với nhân viên hay đối với bản thân, việc phán đoán xem mình có phù hợp với công việc hiện tại hay không đều không thể xuất phát từ ý muốn riêng hay dựa vào tình cảm riêng.
“Nếu đã xác định mình thực sự không phù hợp, các bạn nên thay đổi ngay lập tức. Trên thực tế, có nhiều người sau khi được điều chuyển sang chức vụ mới thích hợp hơn đã đạt được những thành tích vô cùng xuất sắc”, Konosuke Matsushita chia sẻ.
Tóm lại, đã là một trưởng bộ phận hay trưởng phòng, theo ông cần thường xuyên tự nhắc nhở: Mình đang đảm nhận một sứ mệnh quan trọng, vì thế không được đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới.
Đừng làm phiền họ
Konosuke Matsushita cho rằng ai cũng hy vọng có cơ hội được làm việc, hy vọng mình là một người hữu ích đối với người khác cũng như đối với xã hội. Còn những ai chẳng có việc gì làm, chỉ thích vui chơi cho qua ngày đoạn tháng thì cũng chỉ sung sướng, vui vẻ trong một thời gian ngắn; về lâu về dài, bản thân họ sẽ cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi.
“Tôi hiểu tâm lý này của nhân viên nên đã rút ra những bí quyết giúp nhân viên luôn cố gắng trong quá trình làm việc. Một trong những bí quyết đó là khi cấp dưới đang tập trung sức lực vào công việc, nhất định không được làm phiền họ”, Konosuke Matsushita nhấn mạnh.
Khi có một người đang cực kỳ nhiệt tình với công việc, bất chợt bị người khác dội cho một gáo nước lạnh, nhất định họ sẽ cảm thấy không vui và sự nhiệt tình với công việc cũng vì thế mà giảm sút.
Vì vậy, khi cấp dưới toàn tâm toàn ý với công ty, nhà sáng lập Panasonic đều cố gắng hết mức để không làm phiền họ. Đương nhiên, điều đó cũng không có nghĩa ông quản lý nhân viên theo cách để mặc kệ họ, không quan tâm. Đối với một trưởng bộ phận, kịp thời nhắc nhở nhân viên là trách nhiệm cần phải hoàn thành, nhưng chỉ cần chú ý đến phương pháp và thái độ, tránh làm ảnh hưởng đến sự đam mê, lòng nhiệt tình đối với công việc của họ.
Xuất phát điểm của vấn đề không làm phiền, không can thiệp đến công việc của người khác về cơ bản là sự tín nhiệm và tin tưởng vào nhân viên của mình. Tuy vậy, mọi người đều là người bình thường, không phải thần thánh, nên không ai có thể yên tâm hoàn toàn về những việc đã giao cho người khác làm.
“Dù các bạn có thể khiến người khác yên tâm sáu phần, thì vẫn có bốn phần còn lại họ không yên tâm. Nhưng nếu sự tín nhiệm với cấp dưới có thể đạt từ 60% trở lên, thì đừng ngại ngần mà hãy yên tâm giao việc cho nhân viên đó làm”, Konosuke Matsushita chia sẻ.
Trong quá trình quản lý nhân viên, khi phát hiện ra điểm gì cần phải nhắc nhở, người lãnh đạo nên thẳng thắn góp ý trên tinh thần tôn trọng họ. Khi ấy, hầu hết nhân viên sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để không phụ lòng mong đợi của cấp trên. Đây chính là kinh nghiệm làm việc của Konosuke Matsushita.
Theo Cafebiz.vn