Phỏng vấn tuyển dụng hiện nay là hình thức vô cùng phổ biến để đánh giá liệu các ứng viên có đáp ứng được nhu cầu của bạn hay không. Buổi phỏng vấn này sẽ là cơ hội để bạn hiểu thêm về các ứng viên và đưa ra quyết định phù hợp nhất nếu họ thực sự phù hợp với công ty của bạn.
Không có phương thức nào gọi là đúng hay sai trong quá trình này bởi mỗi doanh nghiệp sẽ có những cách phỏng vấn khác nhau tùy thuộc vào tính chất công việc và văn hóa của công ty. Mỗi quá trình có những điểm riêng tùy thuộc vào các phương thức và kỹ thuật phỏng vấn được sử dụng. Tất nhiên, vẫn có những giai đoạn mà bất cứ buổi phỏng vấn nào cũng nên có để chắc chắn có được những thông tin cơ bản, đầy đủ về các ứng viên của mình.
Các kiểu phỏng vấn cơ bản
Lựa chọn đúng phong cách phỏng vấn là vô cùng quan trọng, nhất là khi bạn mong muốn quá trình phỏng vấn của mình trở nên hiệu quả. Điều này giúp bạn đánh giá được từng ứng cử viên với một buổi phỏng vấn công bằng và lựa chọn được những loại phỏng vấn phù hợp.
Các loại phỏng vấn sau đây có thể được sử dụng riêng hoặc kết hợp tùy thuộc vào nhu cầu doanh nghiệp:
– Phỏng vấn qua điện thoại: Loại phỏng vấn này thường được thực hiện bởi một nhà quản lý chuyên về mảng tuyển dụng hay một thành viên trong bộ phận Nhân sự. Mục đích của kiểu phỏng vấn này là để ứng viên trả lời tất cả các câu hỏi được nêu ra sau khi nhà tuyển dụng đã đọc qua hồ sơ, CV. Đây là cách tốt để có thể thực hiện phỏng vấn được nhiều ứng viên chỉ trong một vài giờ. Kiểu phỏng vấn này cũng có thể được chọn như một phương cách sàng lọc ứng viên tốt.
– Phỏng vấn năng lực: Khi đối diện trực tiếp với nhau trong buổi phỏng vấn, loại hình phỏng vấn năng lực được thiết kế để xác định liệu các ứng viên của bạn có khả năng và đầy đủ kinh nghiệm để thực hiện tốt công việc này hay không. Bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi về những tình huống khi họ đã hoàn thành những nhiệm vụ tương tự như công việc đang tuyển dụng. Nếu đó là những khó khăn lớn, họ đã vượt qua những điều đó như thế nào? Kinh nghiệm nào trong khoảng thời gian làm việc trước đó khiến họ tự hào nhất?
– Phỏng vấn hành vi: Đối với những vị trí không yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm trước đó, hình thức phỏng vấn hành vi được thiết kế để dự đoán xem ứng viên đó có thích hợp cho công việc này hay không. Các tình huống giả định được đưa ra cho các ứng viên tại chỗ, do đó bạn có thể đánh giá được hướng tư duy của mỗi ứng viên và cách họ đối phó với áp lực như thế nào. Hình thức này cũng có thể được kết hợp với quá trình kiểm tra tâm lý để có được cái nhìn tổng quát nhất.
– Phỏng vấn kỹ thuật: Đôi khi cách duy nhất để tìm ra người có phù hợp với công việc nào đó hay không là cho họ làm thử công việc đó một cách thực sự. Quá trình phỏng vấn dạng này có thể đơn giản chỉ là một bài kiểm tra ngắn về kiến thức, làm thử một bài báo cáo có nội dung trong giai đoạn thử việc. Nếu bạn phải kiểm tra cùng lúc nhiều ứng viên, hãy đảm bảo tất cả họ đều nhận được cùng một thử thách hay cùng một bài kiểm tra hoặc các bài kiểm tra tương đương. Qua đó có thể đánh giá, so sánh khả năng của các ứng viên một cách hiệu quả.
– Phỏng vấn hội đồng: Đây là phương thức được các công ty ưa chuộng khi đảm bảo được tính khách quan và ứng viên được đánh giá bởi nhiều người. Thông thường, quá trình phỏng vấn sẽ diễn ra trong một hoặc một vài ngày, các ứng viên sẽ được phỏng vấn bởi một hội đồng từ 4-5 người. Phỏng vấn kiểu này giúp đánh giá các ứng viên một cách toàn diện và điều quan trọng hơn – những cuộc phỏng vấn này là cơ hội để hai bên có sự trao đổi cởi mở, giúp cho quá trình sau phỏng vấn trở nên suôn sẻ và nhẹ nhàng.
– Phỏng vấn nhóm: Đây là một phương thức phỏng vấn ít phổ biến hơn so với phỏng vấn hội đồng, nhưng vẫn thường được sử dụng để đánh giá được nhiều ứng viên một lúc. Các nhóm ứng viên được thể hiện cùng nhau trong cùng một thời gian sẽ giúp bạn đánh giá được những tính cách khác nhau, phong cách làm việc, khả năng lãnh đạo và cách họ phản ứng với áp lực.
Một nhân viên thuộc bộ phận Nhân sự nên có mặt trong quá trình phỏng vấn cùng người quản lý của bộ phận sẽ tuyển dụng nhằm chọn được một ứng viên phù hợp với công việc và phù hợp với văn hóa của công ty.
Tiến hành phỏng vấn
Cho dù bạn lựa chọn phương thức phỏng vấn nào, bạn cũng cần phải có sự chuẩn bị chu đáo. Bạn nên lên lịch với tất cả mọi người có liên quan trong quá trình phỏng vấn và nhắc nhở trước về những thứ cần chuẩn bị.
Hãy thật tự nhiên và linh hoạt với các ứng viên của bạn. Khi gọi điện hẹn phỏng vấn, hãy cố gắng cung cấp ít nhất 3 tùy chọn để lựa chọn và sau đó sắp xếp cho thật phù hợp.
Để thực hiện quá trình phỏng vấn, bạn cần một căn phòng yên tĩnh. Bạn cũng nên sắp xếp trước để đảm bảo quá trình phỏng vấn được thực hiện một cách thoải mái, không quá ồn ào hay có quá nhiều người trong phòng gây ảnh hưởng đến chất lượng buổi gặp.
Nếu bạn chỉ muốn gói gọn quá trình phỏng vấn trong một ngày, bạn nên xem xét về việc có ít nhất 15 – 30 phút khoảng cách giữa các lần phỏng vấn để dự phòng những sự cố bất ngờ có thể xảy ra, đồng thời cũng là thời gian để hội đồng phỏng vấn có cơ hội đánh giá tóm tắt về ứng viên trước đó ngay sau khi phỏng vấn.
Khi ứng viên của bạn đến, bạn có thể làm theo 10 bước sau đây:
- Chào mừng ứng viên, mang cho họ một ly nước và làm họ cảm thấy thoải mái hơn với một vài mẩu đối thoại xã giao (về thời tiết, quá trình tìm công ty,…).
- Giới thiệu bản thân và giải thích ngắn gọn những gì liên quan đến buổi phỏng vấn.
- Giới thiệu tổng quan về doanh nghiệp và đưa ra một số thông tin về vị trí tuyển dụng, tại sao có buổi phỏng vấn này và vai trò của nó là gì.
- Hãy bắt đầu với những câu hỏi của bạn. Yêu cầu họ nói những điểm chính trong CV của họ – đây là điểm khởi đầu tốt để họ cảm thấy thoải mái hơn khi nói về một chủ đề quen thuộc.
- Hỏi những câu hỏi có kết thúc mở để ứng viên có cơ hội thể hiện bản thân.
- Hãy thử có những câu hỏi liên quan đến khía cạnh quan trọng trong công việc sắp đến trong khoảng thời gian đầu của buổi phỏng vấn. Chắc chắn là bạn không muốn đến gần cuối buổi phỏng vấn mới nhận ra có quá nhiều thứ cần thiết chưa được trả lời.
- Vào cuối buổi phỏng vấn, trả lời cho ứng viên nếu họ có bất cứ câu hỏi nào.
- Thông báo cho họ bước tiếp theo của quá trình phỏng vấn, ví dụ: buổi phỏng vấn lần hai và khoảng thời gian ước tính có kết quả của vòng phỏng vấn này là khi nào.
- Đi bộ cùng với ứng viên đến cửa, cảm ơn họ vì đã dành thời gian.
- Ghi lại bất cứ những ghi chú nào bạn có càng sớm càng tốt nếu có thể. Nếu bạn có nhiều ứng viên, bạn sẽ dễ bên những người đó đã nói gì, do đó hãy ghi lại thật kỹ.
Một cuộc phỏng vấn xin việc là cơ hội cho các ứng viên để tìm hiểu xem họ có muốn làm việc cho bạn hay không cũng như họ có phù hợp để vào công ty của bạn hay không. Do đó, hãy luôn luôn nói về những khía cạnh tích cực của doanh nghiệp và đối xử với họ như một khách hàng mà bạn đang hy vọng có cơ hội để hợp tác. Điều đó là điều có lợi cho cả đôi bên.
Trích nguồn www.careerlink.vn