Lương (Phần 1): Lương cơ bản cùng những kiến thức cơ bản

Mở đầu cho các bài viết chuyên đề “lương”, VnResource xin tổng quan qua những thông tin về “lương cơ bản”, “hệ số lương cơ bản”, và những cách tính lương cơ bản.

I/Lương cơ bản

Lương cơ bản là mức lương đã qua thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, tùy thuộc vào tính chất, yêu cầu của từng công việc cụ thể và được ghi rõ trong hợp đồng lao động, là cơ sở để tính tiền công, tiền lương hàng tháng mà người lao động sẽ nhận trong chính doanh nghiệp đó.

Mức lương cơ bản không bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng, phúc lợi và các khoản thu nhập bổ sung khác. Do đó, trong nhiều trường hợp, lương cơ bản không phải là lương thực nhận của người lao động.

Trước đây, lương cơ bản thường được lấy làm “mốc” để đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, hiện nay, luật Bảo hiểm xã hội yêu cầu từ năm 2018, mức đóng bảo hiểm xã hội bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

II/ Cách tính lương cơ bản năm 2019

Do với tính chất là mức lương tối thiểu người lao động nhận được, nên mức lương cơ bản đối với khối doanh nghiệp và khối Nhà nước cũng có sự khác biệt.

Cụ thể như sau:

– Lương cơ bản 2019 của người lao động trong doanh nghiệp

Lương cơ bản của người lao động làm việc trong doanh nghiệp chính là mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Căn cứ Nghị định 157/2018/NĐ-CP, mức lương cơ bản 2019 của đối tượng này như sau:

Mức lương tối thiểu vùng 2019 như sau:

+ Lương cơ bản vùng 1: 4,18 triệu đồng/tháng
+ Lương cơ bản vùng 2: 3,71 triệu đồng/tháng
+ Lương cơ bản vùng 3: 3,25 triệu đồng/tháng
+ Lương cơ bản vùng 4: 2,92 triệu đồng/tháng.

Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng theo từng địa phương từ 01/01/2019

– Lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Nhà nước

Mức lương cơ bản của đối tượng này được tính theo công thức:

Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương

Hệ số lương là chỉ số thể hiện sự chênh lệnh mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc khác nhau dựa trên yếu tố trình độ, bằng cấp – được dùng làm căn cứ để tính mức lương cơ bản, phụ cấp và các chế độ cho nhân viên trong các doanh nghiệp.

Trong đó, mức lương cơ sở năm 2019 có sự điều chỉnh như sau:

+ Từ 01/01 – 30/06/2019: 1,39 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP).
+ Từ 01/07 – 31/12/2019: 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị quyết 70/2018/QH14).

Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn áp dụng cách tính lương cơ bản cho nhân viên theo hệ số lương. Dựa vào hệ số lương theo quy định của nhà nước, các đơn vị có thể xây dựng – điều chỉnh hệ số lương cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích của người lao động ( nghĩa là mỗi doanh nghiệp có thể sẽ có một hệ thống hệ số lương riêng).

Theo quy định 204/ 2004 của chính phủ, hệ số lương khởi điểm được áp dụng để tính tiền lương cơ bản cho lao động đã tốt nghiệp bậc Đại học là 2,34 – lao động đã tốt nghiệp bậc Cao đẳng là 2,10 – lao động đã tốt nghiệp bậc Trung cấp là 1,86.

⇒ Cách tích lương cơ bản theo hệ số lương được áp dụng theo công thức sau:

Mức lương cơ bản = Mức lương cơ sở x Hệ số lương
(Mức lương cơ sở hiện đang được áp dụng là 1.300.000 đồng/ tháng)

Ví dụ với trường hợp lao động tốt nghiệp đại học đi xin việc làm, được áp dụng hệ số lương khởi điểm 2,34 thì mức lương cơ bản được nhận là: 1.300.000 x 2,34 = 3.042.000 đồng

Theo quy định pháp luật, mức lương cơ bản mà doanh nghiệp trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và cộng thêm 7% lương đối với lao động đã qua đào tạo nghề.

Ví dụ một khách sạn đang hoạt động tại Đà Nẵng, khi tuyển nhân viên sẽ thực hiện việc tính lương cơ bản như sau:

– Đối với lao động chưa qua đào tạo nghề (Tạp vụ, bảo vệ…) thì mức lương cơ bản sẽ được nhận là 3.530.000 đồng/ tháng (thuộc vùng II) – trong điều kiện làm việc bình thường và đủ thời gian quy định.

– Với lao động đã qua đào tạo nghề (Kế toán, Lễ tân, Bartender, Đầu bếp…) thì mức lương cơ bản sẽ được tính như sau: 3.530.000 + ( 3.530.000 x 7%) = 3.777.100 đồng.

– Thêm vào đó, với lao động đã qua đào tạo mà đảm nhận công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được cộng thêm 5%, khi đó, lương cơ bản được tính: 3.777.100 + (3.777.100 x 5%) = 3.965.955 đồng.
Đây là mức lương cơ bản thấp nhất mà doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động, tùy theo quy định mà các khách sạn có thể trả lương cơ bản cho nhân viên cao hơn mức lương tối thiểu vùng

• Khoảng cách giữa các bậc lương

Khoảng cách chệnh lệch giữa các bậc lương phải ít nhất bằng 5% để khuyến khích người lao động nâng cao trình độ, chuyên môn – nghiệp vụ. Như vậy, nếu lương cơ bản bậc 1 là 4.000.000 đồng thì bậc 2: 4.000.000 + (4.000.000 x 5%) = 4.200.000 đồng, bậc 3: 4.200.000 + (4.200.000 x 5%) = 4.410.000 đồng. Mỗi khách sạn có thể xây dựng hệ thống thang bảng lương từ 3 – 7 bậc, tùy thuộc vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Còn tiếp…