Nói đến kỹ năng giải quyết vấn đề, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến những người ở vị trí cấp cao, bởi họ có nhiều trách nhiệm hơn cũng như có thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh. Ở vị trí là một nhân viên, bạn có ít khả năng được yêu cầu tìm giải pháp cho một vấn đề kinh doanh quan trọng nhưng cách bạn xử lý những vấn đề nhỏ sẽ chứng minh cho nhà quản lý thấy bạn có khả năng giải quyết tốt như thế nào. Nếu sếp của bạn nghi ngờ khả năng vượt qua khó khăn của bạn, họ có thể không tin tưởng để giao cho bạn những trách nhiệm lớn hơn cũng như nâng đỡ bạn thành người quản lý trong tương lai.
Vậy, bạn có phải là người giỏi kỹ năng này? Hãy cùng tìm câu trả lời qua các đặc điểm của người giải quyết vấn đề hiệu quả sau đây nhé.
Thái độ tích cực
Nói một cách đơn giản, người giải quyết vấn đề hiệu quả luôn xem các khó khăn là cơ hội để họ học hỏi điều gì đó mới mẻ hơn, cơ hội để phát triển, để thành công hoặc để chứng minh rằng điều đó có thể được thực hiện. Bên cạnh đó, họ cũng có niềm tin sâu sắc rằng, với sự chuẩn bị đầy đủ, họ sẽ tìm ra câu trả lời đúng đắn.
Giữ sự tập trung
Có câu “Nếu bạn muốn nhanh chóng hoàn thành công việc của mình, hãy đa nhiệm. Nhưng nếu bạn muốn hoàn thành công việc với chất lượng cao, hãy tập trung”. Chúng ta luôn muốn “nhất cử lưỡng tiện” và tiết kiệm được nhiều thời gian nhưng người giải quyết vấn đề hiệu quả nhận ra tầm quan trọng của sự tập trung. Kết quả là họ làm việc để giải quyết vấn đề ngay lập tức và khi có nhiều trở ngại xảy đến cùng lúc, họ sẽ giải quyết từng vấn đề một.
Đánh giá lại vấn đề
Có nhiều khả năng, cách đánh giá ban đầu không chính xác hoặc không đầy đủ. Do đó, người giải quyết vấn đề hiệu quả sẽ tìm mọi cách để đào sâu hơn, phân tích kỹ càng đồng thời lắng nghe trực giác của chính họ. Trong quá trình xác định lại vấn đề đó, họ cố gắng hết sức để tránh đưa ra các phán xét vội vàng hoặc loại trừ một số khả năng hiếm khi xảy ra.
Lắng nghe hiệu quả
Với mong muốn xử lý mọi trở ngại, người giải quyết vấn đề hiệu quả luôn tập trung lắng nghe để hiểu rõ hơn chi tiết về tình huống, về những mối quan tâm cụ thể của đối tác kinh doanh, đồng nghiệp, cấp trên hoặc khách hàng. Mỗi khó khăn có những đặc điểm riêng và ảnh hưởng đến những người liên quan khác nhau. Do đó, lắng nghe tốt sẽ giúp họ có cái nhìn đầy đủ hơn về những gì đã xảy ra, từ đó mới có thể đưa ra giải pháp hiệu quả.
Liệt kê tất cả những trở ngại
Có những lúc khó khăn gặp phải có mối quan hệ mật thiết với nhiều vấn đề khác và việc giải quyết có thể tạo ra phản ứng dây chuyền không mong muốn. Những người giỏi kỹ năng giải quyết vấn đề có tầm nhìn xa về các yếu tố liên quan và liệt kê ra những tình huống tiềm năng có thể xảy ra khi xử lý. Do đó, họ có thể tiếp cận vấn đề một cách toàn diện và đưa ra giải pháp hiệu quả hơn.
Không ngại tham khảo ý kiến của người khác
Một đặc điểm khác của người giỏi kỹ năng giải quyết vấn đề là họ không cần phải luôn luôn đúng. Họ tập trung vào việc tìm ra giải pháp phù hợp hơn là muốn chứng minh rằng họ đúng bằng mọi giá. Những người này nhận ra rằng để có được cách xử lý tốt nhất, cần phải tham khảo ý kiến của người khác, đặc biệt là những chuyên gia trong lĩnh vực đang xử lý. Họ không cảm thấy bị đe dọa bởi những ý tưởng và kiến thức rộng lớn của người khác, thay vào đó, họ sẵn sàng học hỏi từ những người xung quanh.
Không theo lối mòn
Một người giải quyết vấn đề tốt không chỉ sử dụng các giải pháp phổ biến mà có thể khám phá ra các cách giải quyết khả thi khác. Họ nhìn thấy nhiều hơn một giải pháp và luôn tìm kiếm những phương pháp mới mẻ, sáng tạo. Bạn đã bao giờ trải qua tình huống mà trong đó giải pháp không phải là điều bạn mong đợi để thực hiện? Đôi khi các giải pháp tuyệt vời có thể xuất phát từ những ý tưởng táo bạo và một người giải quyết vấn đề hiệu quả không ngại đi theo con đường đó.
Người giải quyết vấn đề hiệu quả luôn tránh phỏng đoán và thực hiện một cách tiếp cận có hệ thống để thấy được thất bại đã xảy ra như thế nào. Bằng việc sở hữu các đặc điểm trên đây, họ sẽ có được cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề và hướng đến một giải pháp hiệu quả. Nếu bạn có được các phẩm chất được nhắc đến, thì xin chúc mừng. Nếu không, thì việc rèn luyện không bao giờ là quá muộn.