Với cương vị là một nhà lãnh đạo, bạn hãy động viên, khuyến khích nhân viên bằng những cách sau để họ có thể phát huy tối đa khả năng của mình và đóng một vai trò quan trọng đối với thành công của doanh nghiệp.
Khi tiền lương của một người lao động đủ để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của họ, tiền bạc thường trở thành một yếu tố thứ yếu.
Một công việc có ý nghĩa, làm được một điều gì đó khác thường, đóng góp được một phần công sức nào đó cho sự phát triển của doanh nghiệp chính là những điều mà các nhân viên cần được động viên, khuyến khích để nâng cao tinh thần làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Bắt đầu với chính mình
Bạn có thật sự đam mê và kiên trì theo đuổi sứ mệnh và mục tiêu của doanh nghiệp mình? Nếu bản thân bạn không có được điều này, bạn khó “thổi lửa” cho nhân viên của mình được. Nhân viên thường xuyên để ý tới bạn và sẽ tuân theo sự lãnh đạo của nếu bạn chứng tỏ được phẩm chất của một người sếp. Hãy ghi điểm với mọi người bằng sự nhiệt tình và thực tế về những gì đang xảy ra xung quanh bạn. Hãy cố gắng trở thành hình mẫu lí tưởng để nhân viên có thêm động lực tiến lên phía trước. Vì vậy, việc đầu tiên là bạn phải làm là tạo cho bản thân sự gắn bó, lòng nhiệt tình với công việc kinh doanh của tổ chức: Bạn phải có được cảm giác như mình đang rất sung mãn và sẵn sàng vào cuộc để “thay đổi thế giới”.
Chia sẻ sứ mệnh của tổ chức với từng nhân viên
Hãy làm cho các nhân viên hiểu được mục tiêu lâu dài, sứ mệnh của doanh nghiệp và chia sẻ với họ những vấn đề này. Có vậy nhân viên mới cảm giác là người trong cuộc, cảm thấy gắn bó và đồng hành với từng bước phát triển của doanh nghiệp.
Ngược lại, nhân viên sẽ không thấy có hứng thú vì phải làm việc như là một nhiệm vụ bắt buộc. Nhân viên cũng sẽ có cảm giác mình là một phần quan trọng của tổ chức khi nhìn thấy được sự đóng góp của chính họ trong con đường hướng đến những mục tiêu, thành công của doanh nghiệp.
Tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi, phát triển tối đa tài năng
Hãy tìm hiểu những ưu điểm, tài năng riêng của từng nhân viên và tạo điều kiện để họ được phát huy tối đa những ưu điểm đó. Khi các nhân viên được làm một việc mà họ có khả năng làm tốt nhất mỗi ngày, chắc chắn họ sẽ được thỏa mãn trong công việc. Và khi nhân viên đã trưởng thành trong tổ chức, hãy thường xuyên khuyến khích họ vận dụng những ưu điểm của mình vào những mục tiêu, thử thách cao hơn, có ý nghĩa hơn.
Hãy cố gắng tạo điều kiện để nhân viên được tham gia các chương trình đào tạo, phát triển nghề nghiệp chuyên môn. Điều này sẽ giúp cho nhân viên có cảm giác rằng họ luôn luôn đạt được tiến bộ mới, không bị tụt hậu.
Công nhận và khen thưởng
Nếu quản lý theo kiểu thị uy, gây ra sự lo sợ, hoang mang cho nhân viên, chắc chắn bạn sẽ làm cho năng suất lao động của tổ chức bị giảm sút. Nhưng nếu bạn không có phản ứng gì, các nhân viên sẽ trở nên tự mãn. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, nhân viên sẽ làm việc có động cơ hơn, tích cực hơn nếu họ được công nhận và khen thưởng đúng lúc.
Do vậy, thay vì cứ xoi mói những nhược điểm của nhân viên, hãy để ý đến những điểm mạnh của họ và khen ngợi họ khi cần thiết.
Khuyến khích nhân viên đóng góp ý kiến
Hãy khuyến khích các nhân viên trình bày quan điểm đóng góp những ý tưởng của họ với mục đích đóng góp phần hoàn thiện công việc của doanh nghiệp. Liệu nhân viên của bạn có hài lòng với công việc và môi trường làm việc hiện tại? Liệu họ có cảm thấy được đánh giá và lắng nghe? Hãy tìm hiểu, dành thời gian để nói chuyện và thảo luận những ưu tiên cũng như mong muốn của họ. Có thể làm điều này thông qua việc đặt các hộp thư góp ý, tổ chức các cuộc họp, thảo luận. Các cuộc nói chuyện cởi mở thường xuyên sẽ giúp bạn hiểu nhân viên của mình hơn, từ đó sẽ có biện pháp thích hợp để thúc đẩy họ. Chắc chắn, nhân viên sẽ làm việc với nguồn năng lượng và cảm xúc mạnh mẽ hơn cho công việc. Dù làm dưới hình thức nào, điều quan trọng là nhân viên phải cảm nhận rõ rằng những ý kiến của họ được tôn trọng và được phản hồi.
Xây dựng một doanh nghiệp mà nhân viên có thể tự hào
Sản phẩm, dịch vụ hay công ty của bạn có góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn không? Các nhân viên luôn có khuynh hướng cảm thấy tự hào và có hứng thú nếu được làm việc cho một công ty có danh tiếng, có hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng và đem đến cho cộng đồng đóng góp quan trọng.
Tạo ra một môi trường làm việc độc lập dựa trên sự tin tưởng
Mặc dù nhân viên cần biết rõ khi nào họ phải thực hiện các nhiệm vụ và thực hiện chúng như thế nào, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ can thiệp quá sâu vào công việc của họ. Cách quản lý này chỉ làm cho nhân viên cảm thấy họ không được tin tưởng và sẽ không làm việc hết mình, mất sáng tạo trong công việc.
Nhân viên Starbucks được phép tự do sáng tạo đồ uống mới
Hãy cho phép nhân viên được làm việc độc lập dựa trên sự tin tưởng của cấp trên để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Khi đó họ sẽ có cảm giác rằng nỗ lực của mình là có ý nghĩa và bản thân họ cũng có khả năng đạt được kết quả tốt trong công việc.
Đảm bảo rằng đúng người làm đúng việc
Việc này đòi hỏi bạn phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng nhân viên. Từ đó, giao việc cho nhân viên một cách thích hợp và đảm bảo rằng họ nắm vững trách nhiệm của mình một cách rõ ràng.
Lời kết
Cuối cùng, hãy giúp nhân viên cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Bằng cách cung cấp những lợi ích giúp nhân viên dễ dàng quan tâm tới bản thân mình, bạn sẽ giúp họ thể hiện tốt hơn trong mọi khía cạnh, cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Ví dụ như thời gian làm việc linh hoạt hơn, thẻ thành viên trong câu lạc bộ thể dục, chương trình hỗ trợ nhân viên…
Nguồn: careerlink