Bài viết sau đây của chuyên gia nhân sự Bonnie Marcus trên Busines Insider giúp nhân viên trẻ hoàn thiện kỹ năng ứng xử nơi công sở:
Tôi tốt nghiệp và đi làm với sự tự tin rằng kiến thức học được sẽ giúp tôi thành công. Và quả thật là như vậy. Tuy thế, tôi cũng học được rất nhiều điều quan trọng khác trong những năm đầu đi làm, đó là sức ảnh hưởng và tầm quan trọng của “môi trường công sở”.
Ngày nay, năng lực và thành quả công việc không phải là những thứ duy nhất giúp bạn thành công. Để tiến xa hơn trên nấc thang sự nghiệp, bạn cần hiểu và thích nghi với môi trường công sở. Sau đây là 7 bài học nhân viên trước tuổi 30 cần tìm hiểu:
1. Để thăng tiến, bạn cần nhiều hơn tài năng và sự chăm chỉ
Đây là bài học quan trọng nhất mà bạn cần nhớ. Không chỉ làm tốt hay làm xuất sắc công việc được giao, mà bạn cần phải được người khác công nhận khả năng. Bạn cũng cần gầy dựng uy tín, tiếng nói và sự khác biệt. Hậu quả của việc chỉ biết tập trung vào công việc là bạn sẽ trở nên vô hình nơi công sở và bỏ qua các cơ hội thăng tiến vào tay những người khác.
2. Mọi người cần biết bạn là người tin cậy, hiểu biết và kiên nhẫn
Hãy thử vài bài test để biết chắc bạn giỏi nhất ở những kỹ năng nào và suy nghĩ làm sao để tận dụng những năng lực đó cho công việc. Bạn muốn được người khác đánh giá ra sao? Hãy xác định những tố chất đó và cố gắng rèn luyện.
Giữa suy nghĩ, hành động và cách bạn truyền thông cho người khác hiểu về mình phải đồng nhất thì mới tạo được hiệu quả. Mạng xã hội cũng không phải là ngoại lệ. Nó đã trở thành một kênh quan trọng để mọi người đánh giá nhau. Thế nên, bạn hãy nghĩ kỹ trước khi thể hiện bản thân.
3. Hiểu rõ quy trình ở công sở
Đây là việc rất cần thiết, giúp bạn không đi sai đường. Những quy tắc bất thành văn ở công ty bạn là gì? Những hành động nào được khuyến khích, hành động nào là không nên? Ai vừa được thăng chức và lý do vì sao? Ai là người có ảnh hưởng và quyền lực nhất?
Xác định đối thủ tiềm năng và những người chiến thắng giúp bạn có chiến lược phù hợp cho bản thân.
4. Xây dựng mạng lưới các mối quan hệ nội bộ
Bạn biết những ai và cần những ai để giúp bạn tránh khỏi những căng thẳng và xáo trộn chính trị nơi công sở cũng như thăng tiến trong sự nghiệp? Về cơ bản, có ba loại mạng lưới quan hệ tại nơi làm việc.
Đầu tiên là mạng lưới hoạt động bao gồm những người bạn làm việc cùng mỗi ngày.
Thứ hai là mạng lưới liên lạc, là những cố vấn và các nhà tài trợ tiềm năng. Họ thường là những người ra quyết định.
Mạng lưới thứ ba là mạng lưới chiến lược, bao gồm những người giúp bạn kết nối với những người có khả năng ra quyết định, có ảnh hưởng, và kết nối những người có thể giúp bạn hoàn thành công việc tốt hơn.
5. Xây dựng mạng lưới các mối quan hệ bên ngoài
Hãy đối mặt với sự thật này: Có thể bạn sẽ không làm việc với công ty hiện tại mãi mãi. Trung bình thì mọi người chuyển việc mới mỗi ba năm. Do đó, hãy giữ liên lạc với đồng nghiệp cũ, bạn cùng lớp và các mối quan hệ khác.
Cố gắng đừng từ chối các cơ hội giúp đỡ và kết nối với mọi người. Đổi lại, khi bạn cần lời giới thiệu hay tham khảo, họ sẽ sẵn sàng giúp bạn. Bên cạnh đó, hãy tích cực tham gia các hội, nhóm chuyên ngành và tạo tài khoản trên LinkedIn.
6. Học cách giao tiếp hiệu quả
Bạn có thể thích nhắn tin, gửi email hoặc gọi điện thoại, nhưng điều quan trọng nhất là phải xác định những người khác thích giao tiếp bằng phương tiện gì, đặc biệt là nếu bạn đang cố gắng để xây dựng mối quan hệ với người đó. Hãy quan sát những người này trong các cuộc họp. Những gì khiến họ chú ý? Những gì khiến họ bực bội?
Chuẩn bị bài thuyết trình tại các cuộc họp, kết hợp những thông tin mà bạn quan tâm. Xác định những thứ quan trọng đối với mọi người xung quanh và sau đó khẳng định vị trí của mình như một người có thể giúp tăng thêm giá trị.
7. Xác lập mối quan hệ tốt với tất cả các thế hệ
Công sở ngày nay luôn có từ 3 đến 4 thế hệ khác nhau cùng làm việc. Khoảng cách thế hệ không dễ vượt qua và bạn phải học cách dung hòa.
Không những bạn phải hòa đồng với đồng nghiệp cùng lứa mà còn phải học cách ứng xử khéo léo với đồng nghiệp lớn tuổi. Hãy tôn trọng và học hỏi kinh nghiệm của họ, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kiến thức của bạn. Lắng nghe sẽ phát huy tác dụng tốt, nhưng bạn cũng đừng quên bạn đến đây để làm việc và thăng tiến.
Bạn là một nhân viên xuất sắc với nhiều tiềm năng nhưng nếu chẳng ai ở công ty biết việc đó, thì tài năng cũng bằng thừa. Nếu bạn được biết đến vì những tai nạn nghề nghiệp không đáng có thì còn tệ hơn. Do đó, hãy chủ động thể hiện khả năng của bạn nơi công sở, với đúng người, đúng việc và đúng lúc.