Doanh nghiệp luôn mong muốn tìm kiếm, thu hút và giữ chân nhân viên giỏi. Tuy nhiên, có thể sau một thời gian, họ quyết định rời đi, lý do có thể đến từ phía khách quan và chủ quan và ở chính doanh nghiệp đó, điều này chắc chắn nên xem xét thay đổi – nếu có.
Tại sao nhân viên muốn thôi việc? Có nhiều lý do. Ngày nay, tìm được một công việc và gắn bó với nó đến hết phần còn lại của cuộc đời là điều rất khó. Mỗi người đều có rất nhiều cơ hội bởi cuộc sống của chúng ta luôn tràn ngập sự đa dạng và linh hoạt.
Tuy nhiên, vẫn có những câu trả lời chung cho quyết định ra đi của những nhân viên giỏi khỏi một nơi có thể được cho là lý tưởng. Họ giỏi và họ cũng rất yêu thích công việc mình đang làm, tuy nhiên vì một số nguyên nhân mà họ vẫn quyết định ra đi. Những nguyên nhân đó đôi khi không phải là tiền bạc hay địa vị.
1. Họ bị thiếu tôn trọng và năng lực của họ bị đánh giá thấp
Khi bạn bị sếp hay đồng nghiệp đối xử như vậy, bạn sẽ cảm thấy họ thật vô nhân tính và nơi đây thật không đáng để bạn tiếp tục ở lại. Đôi khi nhà tuyển dụng chỉ quan tâm tới lợi nhuận, sản lượng, sự hài lòng của đối tác và năng suất. Những yếu tố này tất nhiên là quan trọng với một doanh nghiệp, nhưng sẽ không thể đạt được mục tiêu này nếu những người làm ra nó đang bị ngược đãi.
Nhân viên cũng là con người và họ cần được tôn trọng cũng như tạo động lực để mang lại hiệu suất tốt nhất. Nếu nhân viên không được trả công xứng đáng, không được tạo điều kiện làm việc linh hoạt, không được cung cấp đầy đủ lợi ích hay một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và vui vẻ, họ sẽ có xu hướng không muốn làm ở công ty đó nữa và muốn nghỉ việc.
2. Không có cơ hội phát triển nghề nghiệp
Mọi người không còn muốn làm mãi một công việc hết ngày này qua ngày khác suốt cuộc đời mình. Họ muốn được học tập và tiến bộ trong nghề nghiệp. Nhân viên nào cũng mong muốn được đào tạo, được giáo dục để có thể phát triển các kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Họ muốn phát triển trong tổ chức mà mình làm việc và những năm tháng làm việc vất vả của mình phải được công nhận.
Họ muốn sự đa dạng và sự hào hứng, vì vậy họ luôn muốn được thử thách. Nếu một công việc không có cơ hội phát triển nghề nghiệp, thì nhiều khả năng là nhân viên sẽ nghỉ việc và tìm kiếm những cánh đồng xanh tươi hơn với những cơ hội tốt hơn.
3. Không có sự công bằng
Không ai muốn làm việc trong một môi trường phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, phân biệt tuổi tác hay phân biệt đối xử theo bất cứ cách nào. Khi sự bất bình đẳng hiện diện ở môi trường làm việc, việc giữ chân nhân viên là điều rất khó. Nơi làm việc phải thích ứng với nhu cầu của mỗi cá nhân và cho phép sự đa dạng, linh hoạt.
Đã qua rồi cái thời nhân viên phải chịu đựng những môi trường vẫn còn tồn tại thứ văn hóa đã lỗi thời.
4. Tinh thần làm việc kém
Khi mọi người không thấy vui ở nơi làm việc, thì việc bước qua cánh cửa phòng chỉ còn tính bằng phút. Khi mọi người hoài nghi, bất lịch sự với nhau, ì ạch trong công việc, và không có hậu quả hay hình phạt nào cho sự kém năng suất và kém năng lực đó thì cuối cùng người ta cũng bắt đầu tìm một chiến lược rút lui.
Xây dựng nhóm là yếu tố quan trọng trong bất cứ môi trường làm việc nào. Mỗi cá nhân ở mỗi cấp bậc cần thực sự quan tâm đến nhau và quan tâm đến những mục tiêu chung của công ty. Khi có sự bất đồng trong giao tiếp và cảm giác bất lực khi đưa ra bất kỳ nỗ lực nào trong công việc, không ai còn muốn ở lại nơi đó nữa. Đây là một lý do hoàn hảo cho những người muốn bỏ việc trước khi nơi này bắt đầu gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của họ.
5. Không được công nhận hay khen thưởng
Người lớn đôi khi cũng cần một cái xoa đầu khen ngợi. Có thể là một câu cảm ơn hay chỉ là sự công nhận cho những nỗ lực mà họ đã bỏ ra. Không cần phải có cúp vàng hay một khoản tiền thưởng hậu hĩnh, tuy nhiên điều này có thể có ích cho một chặng đường dài để tạo động lực cho nhân viên.
Nếu bạn không bao giờ được cảm ơn hay được công nhận trong công việc, bạn thấy mình giống như người vô hình và vô giá trị. Quyết định bỏ việc có thể là quyết định dễ dàng nhất.
6. Dập tắt lòng nhiệt huyết
Sự đổi mới và những ý tưởng là nhịp tim của một tổ chức, vì thế ai cũng nên được trao cho cơ hội để thể hiện ý kiến của mình. Một số nơi làm việc rất thiếu cởi mở với những thay đổi hay cải cách, ngay cả khi những thay đổi này mang lại sự cải thiện lớn trong năng suất công việc.
Mọi người thường bắt đầu một công việc mới với tràn đầy năng lượng và những ý tưởng mới mẻ, nhưng lại nhanh chóng bị cản đường bởi một quản lý thiếu tầm nhìn và cổ hủ. Khi sự nhiệt tình của bạn liên tục bị cản trở, bạn sẽ không dám mạo hiểm, bạn tránh thử những cái mới, bạn thậm chí còn dễ bị dụ dỗ bỏ việc để đi tìm những nơi tốt hơn.
7. Văn hóa ‘thưởng nhầm người’
Một số doanh nghiệp thường có văn hóa ‘thưởng nhầm người’. Người ta thường nói rằng “Những ông chủ giỏi sẽ không muốn làm việc với những người thông minh hơn họ”.
Trường hợp này sẽ xảy ra khi ông chủ có một cái tôi quá lớn và họ cảm thấy bị đe dọa bởi bất cứ ai thông minh và có năng lực hơn mình. Và một thực tế sẽ xảy ra là những người luôn phục tùng nhiều hơn là sáng tạo sẽ được khuyến khích và khen thưởng. Điều này nhằm mục đích bảo vệ hệ thống quyền lực thay vì phát triển một hệ thống nhân viên làm việc hiệu quả, có năng lực và chuyên nghiệp.
8. Quyền lực phân chia theo cấp bậc thay vì cho phép tự chủ
Khi cấp bậc quan trọng hơn giá trị của mỗi người và quan trọng hơn sự đóng góp của họ cho công việc, thì doanh nghiệp đó không chỉ mất đi những cơ hội tuyệt vời để nghe những ý kiến khôn ngoan và hợp lý, mà nó còn phá vỡ sự tự lực và các kỹ năng đưa ra quyết định quan trọng của nhân viên.
Những lãnh đạo mạnh mẽ nên trao quyền cho nhân viên để họ tự lực và tận tâm vì lợi ích tốt hơn của doanh nghiệp. Tranh giành quyền lực và đấu trí chỉ gây bất lợi cho mục đích chung của doanh nghiệp và góp phần làm cho môi trường làm việc trở nên ‘độc hại’. Nhân viên sẽ bỏ việc khi họ cảm thấy không được tin tưởng, thậm chí là khi phải đưa ra những lựa chọn cơ bản nhất họ cũng phải hỏi ý kiến của từng người.
Nguồn: Hà Thu (Trí thức trẻ)