Nhận được phản hồi tiêu cực không phải là một trải nghiệm vui vẻ, nhưng chúng ta vẫn có thể tận dụng chúng để tiến bộ nếu biết phản ứng một cách chuyên nghiệp.
Phản ứng đầu tiên của bạn là nói với người đưa ra phản hồi rằng họ đã sai. Bởi vì nếu họ đúng, chắc chắn bạn phải nghe điều đó từ sớm, và từ nhiều người khác. Tuy nhiên, đừng vội kết luận như vậy.
Hơn nữa cũng đừng lo lắng khi bạn không nhìn nhận vấn đề giống như cách nhìn của một người nào đó. Đôi khi việc lắng nghe cách nghĩ của họ có thể giúp bạn hiểu được vì sao mình đã sai lầm hoặc giúp bạn tìm ra hướng giải quyết vấn đề.
Vì vậy, đừng nói “Bạn có điên không khi nhìn vấn đề theo cách đó?”, hãy nói “Tôi có một chút khó hiểu. Bạn có thể đưa ra ví dụ để tôi học hỏi?”.
Trong một thế giới lý tưởng, bạn sẽ được biết về mọi rắc rối ngay khi nó xuất hiện trong quá trình làm việc. Nhưng trong thực tế, các cộng sự không thể luôn có điều kiện tạm dừng công việc của họ lại để thông báo cho bạn về rắc rối mà họ nhìn thấy.
Thêm vào đó, bạn có thể có những thói quen vô thức ngăn cản mọi người góp ý, chẳng hạn như hờn dỗi khi ai đó có ý muốn sửa chữa lỗi lầm của bạn, hoặc bỏ ra khỏi phòng họp khi bất đồng ý kiến với một đồng nghiệp.
Không ai thích thú với việc họ khiến cuộc sống của người khác trở nên khó khăn hơn. Nhưng bạn càng cảm thấy khó khăn bao nhiêu khi nghe sự thật đó, người khác càng cảm thấy khó khăn bấy nhiêu khi đưa ra phản hồi tiêu cực.
Cần tìm hiểu xem bạn có sở hữu bất kỳ ngôn ngữ cơ thể, thói quen hoặc phong cách làm việc nào khiến người khác e dè, từ đó gây cản trở sự tiến bộ trong sự nghiệp của mình hay không.
Vì vậy, đừng nói: “Sao bạn không nói với tôi sớm hơn?”, hãy nói “Tôi ước gì nhận được phản hồi này sớm hơn. Tôi có làm gì khiến mọi người nghĩ rằng tôi không muốn tiếp thu góp ý mang tính xây dựng không?”
Câu “Việc này sẽ không bao giờ xảy ra nữa” không phải là cách tốt nhất để cho ai đó biết rằng bạn đã hiểu về phản hồi của họ và tiếp nhận nó một cách nghiêm túc.
Ngay cả những người “hoàn hảo” nhất trên hành tinh này cũng không thể hứa chắc rằng họ sẽ không bao giờ tái phạm một sai lầm nào đó. Việc đưa ra sự cam đoan như vậy chỉ làm cho cuộc sống của bạn trở nên khó khăn hơn.
Thay vào đó, bạn nên cho thấy rằng mình cần làm nhiều hơn là chỉ thừa nhận sai lầm, đó là bạn đã biết được sai lầm đến từ đâu và có một kế hoạch để phòng ngừa nó sau này. Nhờ đó, bạn sẽ thể hiện cho sếp hoặc đồng nghiệp thấy rằng mình đang nghiêm túc muốn sửa chữa sai lầm mà không đặt những áp lực không cần thiết cho bản thân.
Vì vậy, đừng nói “Việc này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”, hãy nói “Đây là kế hoạch của tôi để ngăn chặn việc này tiếp diễn trong tương lai”.
Nguồn: Theo Doanhnhansaigon