Theo một nghiên cứu mới đây của Công ty Tư vấn Bain & Company, nhân viên ở các công ty hàng đầu như Apple, Netflix, Google, Dell… có năng suất làm việc cao hơn 40% so với năng suất làm việc của nhân viên ở các công ty trung bình, qua đó giúp những công ty hàng đầu luôn có mức lợi nhuận biên cao hơn 30 – 50% mức lợi nhuận biên trung bình trong nhóm ngành mà công ty đó đang hoạt động.
“Với sự trợ giúp của Economist Intelligence Unit, một công ty chuyên nghiên cứu và phân tích các chỉ số kinh tế, chúng tôi (Bain & Company) đã đặt ra vấn đề nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của các công ty trong việc sử dụng nguồn nhân lực của họ. Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy rằng, các công ty tốt nhất, nằm ở nhóm đầu trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi, có năng suất làm việc hơn 40% so với những công ty còn lại. Chính sự vượt trội về năng suất lao động, cùng với thời gian, cho phép nhóm này xây dựng một lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ”.
Eric Garton và Michael Mankins, tác giả cuộc nghiên cứu, cho rằng nguồn nhân lực, chứ không phải tài chính, mới là nguồn tài nguyên khan hiếm mà doanh nghiệp ngày nay cần phải chú trọng. Và tài năng, thời gian, năng lượng là 3 yếu tố then chốt quyết định giá trị của nguồn lực này ở mỗi công ty.
Tài năng của nhân viên
“Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ rằng những nhân viên ở đó (công ty trong nhóm đầu như Apple, Google, Dell…) có năng suất làm việc vượt trội như vậy là bởi đã thu hút được hàng trăm nhân viên cấp cao – những người vốn dĩ có năng suất lao động cao – và cho họ hưởng mức đãi ngộ tuyệt vời. Nhưng sau đó chúng tôi nhận ra, ở các công ty trung bình, những nhân sự được xem là “ngôi sao” thường chiếm khoảng 14%, trong khi ở công ty trong nhóm đầu, số nhân viên ngôi sao cũng chỉ chiếm 16%. Do đó, khác biệt nằm ở cách sử dụng con người, chứ không phải tỷ lệ “sao” trong công ty”.
Eric Garton cũng ghi nhận, chỉ riêng việc sử dụng tốt năng lực của nhân viên giỏi ở những công ty trong nhóm đầu đã giúp năng suất lao động của họ vượt 29% so với các công ty khác.
Theo Michael Mankins, một trong những cách công ty có năng suất làm việc vượt trội hay áp dụng là tạo ra nhóm nhân viên “siêu sao” chỉ tập trung để thực hiện những công việc khó khăn nhất, các dự án được xem là then chốt nhất của công ty.
“Để những người chuyên nghiệp làm việc với người nghiệp dư là một sự lãng phí. Nếu trong một nhóm làm việc trộn lẫn cả siêu sao với những người học việc, hiệu suất công việc sẽ suy giảm nghiêm trọng. Trong khi nếu một đội làm việc toàn người giỏi, năng suất làm việc sẽ rất cao. Vì thế, các công ty hàng đầu luôn tập hợp một số đội nhóm “toàn sao” và giao cho họ những công việc quan trọng nhất. Đó là lý do Apple đã tập trung 600 kỹ sư giỏi nhất của mình, ròng rã suốt hai năm chỉ để sửa lỗi, hoàn thiện và phát triển hệ điều hành iOS 10, qua đó đạt được những thành công vượt trội. Ngoài ra, các khoản lương, thưởng… luôn dựa vào năng suất của cả đội chứ ít khi dựa vào đánh giá năng suất từng cá nhân”.
Thời gian cho công việc
Michael Mankins nhận định, hầu hết nhân viên đều muốn tăng năng suất làm việc, nhưng họ thường không được công ty hỗ trợ, hoặc tệ hơn, bị chính công ty của mình “ngáng đường” bằng các điều lệ, quy định, cấu trúc không hợp lý.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng công ty trung bình mất hơn 20% năng suất sản xuất, hơn một ngày mỗi tuần, bởi những quy định, thủ tục hay cấu trúc hành chính cứng nhắc và thiếu sự riêng biệt cho bộ máy công ty”.
Vì thế, các công ty có năng suất cao luôn tìm cách loại bỏ những nội quy, nguyên tắc cứng nhắc, thiếu tính thực tiễn. Trong mọi thời điểm, họ luôn đơn giản hóa cấu trúc tổ chức và sắp xếp mô hình hoạt động dựa vào giá trị thật sự của công ty.
“Ở Netflix chỉ có duy nhất một chính sách là “Hãy hành động theo cách mang lại nhiều lợi ích nhất cho Netflix”. Netflix luôn tin rằng nhân viên của họ không đến công ty để phá hoại công ty và vì thế Netflix không áp dụng những quy trình, chính sách, quy định tốn nhân lực, thời gian và năng lượng. Netflix tin rằng họ có thể đạt năng suất cao hơn nếu không kìm nén nhân sự của mình. Và quả thực, Netflix nằm trong danh sách những công ty hiệu quả nhất theo khảo sát của chúng tôi”.
Năng lượng của tập thể
Eric Garton và Michael Mankins nhận ra rằng, nhân viên có được nguồn cảm hứng trong công việc sẽ có năng suất hơn 125% so với nhân viên chỉ hài lòng với công việc. Do đó, ở những công ty hàng đầu, việc giúp nhân viên luôn tràn đầy năng lượng – như truyền cảm hứng cho nhân viên – luôn rất được ưu tiên.
“Dell là một trong những công ty đã tiến hành thực nghiệm sự khác biệt về năng suất lao động bằng việc tạo năng lượng cho nhân viên, thông qua cách truyền cảm hứng. Theo đó, ở Dell, đội bán hàng được dẫn đầu bởi người quản lý đầy cảm hứng (theo đánh giá của nhân viên và của ban giám đốc) có năng suất làm việc cao hơn 6% so với đội được dẫn dắt bởi người quản lý trung bình. Và chúng ta đều biết, với mức doanh thu hàng tỉ USD mỗi năm, 6% là một con số rất ấn tượng”.
Do đó, để tạo ra một đội ngũ nhân sự luôn tràn đầy năng lượng, người quản lý không chỉ cần có tài năng khiến nhân viên kính trọng, để họ luôn tin tưởng vào mình, mà còn phải có khả năng, phương pháp, chính sách phù hợp để giúp nhân viên có được cảm hứng cũng như duy trì nó trong công việc.
Nguồn: Doanhnhansaigon.vn