Đội ngũ kế thừa: Chọn trí tuệ hay kinh nghiệm?

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của một nhà lãnh đạo là xây dựng đội ngũ kế thừa: phát hiện ra tiềm năng của nhân viên, giúp họ phát huy những thế mạnh ấy trong công việc và trở thành những nhà lãnh đạo tương lai. Việc “giao đúng người, đúng việc” sẽ giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho tổ chức, tăng cường sự gắn bó và làm việc lâu dài của nhân viên, từ đó giảm thiểu chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để dự đoán chính xác tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo tương lai của nhân viên? Thành tích hay kinh nghiệm trong quá khứ và trí tuệ của một nhân viên có thể giúp nhà lãnh đạo có câu trả lời nhưng liệu đây có phải là những căn cứ tốt nhất hay không?

Theo nghiên cứu của Pilat HR Solutions – một tổ chức tư vấn các giải pháp về nguồn nhân lực, thành tích trong quá khứ và trí tuệ của nhân viên không phải là những căn cứ tốt nhất. Lý do là có rất nhiều nhóm trí tuệ khác nhau và những kinh nghiệm “gián tiếp” cũng có thể đóng vai trò là những yếu tố quan trọng khác định hình nên một nhà lãnh đạo tương lai.

Trong cuốn sách có tựa đề Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences (tạm dịch: Lý thuyết về các nhóm trí tuệ) được xuất bản năm 1983, nhà tâm lý học Howard Gardner cho rằng con người có thể sở hữu một số nhóm trí tuệ sau đây:

1. Trí tuệ tự nhiên: Đây chính là sự nhạy cảm của con người đối với thế giới tự nhiên. Một người có trí tuệ tự nhiên tốt là người có khả năng phân biệt nhiều thực thể tự nhiên khác nhau như động vật, sinh vật, các cấu trúc địa hình, các loại mây…

2. Trí tuệ âm nhạc: Đây là khả năng nhận biết âm sắc, thanh điệu. Một người sở hữu loại trí tuệ này có thể phát hiện, tạo ra, tái tạo và soạn thảo ra âm nhạc mà những người nghe, các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, người điều khiển dàn nhạc có thể biểu diễn rõ ràng.

3. Trí tuệ toán học: Loại trí tuệ này giúp con người có khả năng tính toán hoặc thực hiện các hoạt động mang tính toán học cũng như tư duy về các giả định, học thuyết. Những người có trí tuệ toán học có khuynh hướng dễ dàng nhận ra các mối quan hệ, các mô hình, thể hiện khả năng suy luận cao và đưa ra những suy nghĩ trừu tượng.

4. Trí tuệ giao tiếp: Một người sở hữu loại trí tuệ này có khả năng giao tiếp hiệu quả bằng lời nói cũng như các ngôn ngữ không lời, cảm nhận được tính khí và tâm trạng của người khác và cân nhắc nhiều quan điểm khác nhau. Các nhà chính trị, hoạt động xã hội, diễn viên và giáo viên thường là những người có thế mạnh về trí tuệ giao tiếp.

5. Trí tuệ hình thể: Người sở hữu loại trí tuệ này có thể dùng những kỹ năng hình thể và một số vật dụng tác động để tạo ra phong thái riêng và sự hài hòa cho bản thân. Họ là những người rất nhạy cảm về tính thời điểm, sự kiện và có khả năng “lắng nghe cơ thể” của mình rất cao.

6. Trí tuệ ngôn ngữ: Loại trí tuệ này liên quan đến năng lực tư duy bằng từ ngữ và sử dụng từ ngữ để làm cho người khác hiểu mình. Những người sở hữu trí tuệ ngôn ngữ thường có khả năng diễn giải những ý nghĩa phức tạp bằng cách sử dụng ngôn từ.

leadership-3-shutterstock-625x443

7. Trí tuệ tự thân (intra-personal intelligence): Đó là khả năng nổi trội của một người trong việc tự hiểu về bản thân, những suy nghĩ, cảm xúc của mình và sử dụng sự hiểu biết ấy để hoạch định cho cuộc sống của mình.

8. Trí tuệ không gian: Người có trí tuệ không gian có khả năng xem xét các sự việc theo ba chiều. Những năng lực chính của loại trí tuệ này bao gồm: trí tưởng tượng năng động, khả năng tác động bằng hình ảnh, kỹ năng đồ họa và mỹ thuật, kỹ năng suy luận về không gian.

9. Trí tuệ về sự tồn tại: Đó là khả năng nghiền ngẫm những ý tưởng sâu sắc. Những ý tưởng này có thể bao gồm những câu hỏi “tại sao”, “như thế nào” về sự sống và cái chết. Trong khi đa số mọi người đều né tránh những ý tưởng này thì những người quan tâm nhiều đến sự tồn tại của mình thường bị thôi thúc khám phá những câu hỏi như vì sao con người được sinh ra, vì sao họ sinh sống ở đây và vì sao họ chết đi.

Jim Collins – một tác giả nổi tiếng của nhiều bài viết, cuốn sách và công trình nghiên cứu về đề tài kinh doanh và đời sống cho rằng, mặc dù những loại trí tuệ nói trên đều đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của một người, nhưng chúng chưa đủ để trở thành một thước đo đánh giá liệu người đó có tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo hay người có ảnh hưởng trong tương lai hay không.

Loại trí tuệ mà một người có được sẽ “định hình” nên lĩnh vực mà người ấy có triển vọng trở thành một nhà lãnh đạo (ví dụ như kinh doanh, âm nhạc, hoạt động xã hội) nhưng việc người ấy có hội đủ các tố chất và tính cách khác của một nhà lãnh đạo hay một người có tầm ảnh hưởng hay không là một vấn đề cần phải được tìm hiểu thêm.

Kinh nghiệm vẫn là một yếu tố quan trọng khác định hình nên một nhà lãnh đạo tương lai. Tuy nhiên, Collins cho rằng kinh nghiệm cũng lại là một yếu tố khó có thể đánh giá chính xác. Thông thường, người ta chỉ tính đến kinh nghiệm trực tiếp của một cá nhân trong một lĩnh vực nào đó, trong khi lại bỏ qua những kinh nghiệm mà người này có thể có được trong những lĩnh vực hay môi trường văn hóa có liên quan hoặc thậm chí những nỗ lực dường như chẳng liên quan gì mà người ấy đã thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, những kinh nghiệm “gián tiếp” ấy có thể là tiền đề cho những cách làm đột phá và sáng tạo.

Nhiều khám phá khoa học trong một số lĩnh vực đã được thực hiện bởi chính những người từng khá xa lạ với những lĩnh vực ấy. Chẳng hạn, Collins dẫn chứng, những phụ nữ đã lập gia đình tuy bị gián đoạn kinh nghiệm trong công việc vì phải chăm sóc gia đình, con cái, kinh nghiệm trực tiếp của họ trong lĩnh vực mà họ đang làm việc có thể không nhiều bằng nam giới, nhưng những kinh nghiệm trong “thế giới thực” của họ ở địa vị của một người mẹ, một nhà tình nguyện… lại có thể giúp họ tăng thêm khả năng tạo ra ảnh hưởng lên người khác.

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn