14 bài học lãnh đạo từ huyền thoại bóng đá Johan Cruyff

Vào ngày 24/3 vừa qua, huyền thoại bóng đá người Hà Lan Johan Cruyff đã qua đời vì bệnh ung thư tại Barcelona, để lại một khoảng trống lớn lao cho môn thể thao vua. Nói về ông, nhà báo thể thao người Anh Graham Hunter từng viết: “Nếu chưa từng có Johan Cruyff tại Barcelona, Lionel Messi đã bị trả về nhà như một thằng bé chậm lớn”.

Nói tới những nhân vật đỉnh cao của bóng đá, nếu như Pele là “vua bóng đá” thì chắc chắn Johan Cruyff phải là “nhà hiền triết của bóng đá”. Trong sự nghiệp kéo dài 56 năm từ vị trí cầu thủ trẻ đến chiếc ghế huấn luyện viên, có thể nói không ngoa là ông đã làm thay đổi toàn bộ tư duy của thế giới về cách chơi bóng đá.

Triết lý “bóng đá tổng lực” của Cruyff không chỉ đem lại chiến thắng cho những câu lạc bộ mà ông từng huấn luyện như Ajax Amsterdam hay Barcelona mà còn để lại ảnh hưởng sâu đậm lên những huấn luyện viên hàng đầu của ngày hôm nay như Pep Guardiola, Arsene Wenger và Frank Rijkaard.

w620h405f1c1-files-articles-2016-1096139-johan-cruyff(1)

Lối chơi tiki taka đưa đội Tây Ban Nha đến chức vô địch châu Âu (2008, 2012) và World Cup (2010) chính là bắt nguồn từ giai đoạn Cruyff lãnh đạo Barcelona. Chiến thắng ở World Cup 2014 của đội tuyển Đức cũng lấy nền tảng là triết lý chiến thuật của Cruyff và người học trò số 1 của ông là Guardiola.

Đây là 14 câu nói để đời của Johan Cruyff, thể hiện tầm vóc tư duy không chỉ của một chuyên gia bóng đá mà còn của một người thầy giỏi và một nhà lãnh đạo lớn:

1. “Chọn lựa người tốt nhất cho từng vị trí, thì cái mà bạn có được là một nhóm 11 cầu thủ số 1, chứ không phải là một đội bóng số 1”.

2. “Những ai không có tố chất chỉ huy nhưng lại có tham vọng làm lãnh đạo thì bao giờ cũng chỉ trích lỗi lầm của đồng đội. Người đội trưởng thực sự là người luôn giả định rằng ai cũng có lúc sẽ mắc sai lầm”.

3. “Người ta đã thống kê được rằng bình quân mỗi cầu thủ chỉ có 3 phút để điều khiển bóng trong mỗi trận đấu. Như vậy, điều quan trọng nhất là anh ta làm gì trong 87 phút không có bóng. Đó chính là yếu tố quyết định xem đó có phải là cầu thủ giỏi hay không”.

4. “Nếu bạn có bóng, hãy làm cho không gian sân cỏ càng rộng càng tốt. Nếu bạn không có bóng, hãy tìm cách thu nhỏ nó lại”.

5. “Hãy bảo đảm cho các cầu thủ tệ nhất của đối phương là những người giữ bóng nhiều nhất. Bằng cách đó, bạn sẽ sớm có lại bóng trong tay đội của mình”.

6. “Bóng đá là một trò chơi nhiều lỗi lầm, và người chiến thắng là người ít mắc lỗi nhất”.

7. “Bóng đá là một trò chơi đơn giản, nhưng chơi thứ bóng đá đơn giản là chính là điều khó khăn nhất”.

8. “Có loại cầu thủ có thể trổ tài tung hứng banh giữa trận đấu, giúp cho dàn hậu vệ đối phương có thời gian kịp chạy về phòng thủ, và người ta nghĩ rằng đó là một cầu thủ vĩ đại. Tôi thì nghĩ rằng anh ta phải chuyển sang làm việc ở gánh xiếc”.

9. “Tại sao lại không thể đánh bại một đối thủ giàu có hơn? Tôi chưa bao giờ từng thấy một bao tải tiền ghi bàn thắng cả”.

10. “Đối đầu với một đội bóng chỉ còn 10 người khó hơn so với một đội còn nguyên 11 người. Bạn biết tại sao không? Vì đội của bạn sẽ nghĩ rằng ‘OK, giờ mọi chuyện sẽ dễ hơn rồi’, còn đối phương thì nghĩ ‘Đây là lúc phải dồn hết sức lực'”.

11. “Nếu bạn gặp phải một đối thủ có 2 trung vệ cực kỳ giỏi, thì giải pháp tốt nhất là dùng một đội hình không có tiền đạo”.

12. “Trong đội bóng của tôi, thủ môn là người đầu tiên tấn công, còn tiền đạo là người đầu tiên phòng thủ”.

13. “Một cầu thủ dở không phải là dở vì anh ta hay đá phản lưới nhà, mà là ở chỗ anh ta mất kiểm soát khi bị đặt dưới áp lực. Tăng nhịp độ trận đấu chính là cách để buộc một cầu thủ như vậy phải nhả bóng ra”.

14. “Sống sót qua vòng đấu bảng chưa bao giờ là mục tiêu của tôi. Bảng thi đấu lý tưởng là khi bạn được ở chung với Brazil, Argentina và Đức. Như vậy là một khi qua vòng đầu tiên, đã có 2 đối thủ thuộc hàng mạnh nhất bị loại khỏi cuộc chơi. Đó là cách tư duy của tôi”.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn