Làm gì khi nhân tài muốn ra đi?

Đứng trước việc nhân tài muốn ra đi, chủ doanh nghiệp sẽ xử lý thế nào cho thỏa đáng? Đương nhiên, việc đưa ra những “yêu sách” và phân tích cụ thể cho nhân tài là hết sức cần thiết nếu thực sự muốn giữ chân họ. Tuy nhiên cũng không nên và không thể giữ người bằng mọi giá.

“Tôi đi kiếm việc cho người tài, nhưng khi tôi thấy cái áo tôi trao cho họ quá chật và tôi không có cơ hội cho họ cái áo lớn hơn thì tôi sẽ khuyên và cổ vũ họ ra đi”, ông Trần Đình Dũng – Giám đốc điều hành Khuê Văn Academy chia sẻ.

Với cách ứng xử nhân văn này, ông Dũng cho biết, đây thực sự là một “chiêu” để giữ được chân nhân tài. “Cái áo của tôi chưa lớn nhưng họ nói rằng, họ có thể mặc cái áo chật ấy thêm 3 năm nữa”, ông Dũng nói.

Bà Văn Thị Anh Thư – Phó tổng giám đốc nhân sự cao cấp Suntory Pepsico VietNam chia sẻ một trường hợp mà bà và ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã phối hợp với nhau để “cảm hóa” một nhân tài khi người này muốn dứt áo ra đi khi được hứa hẹn mức thù lao khủng từ một doanh nghiệp khác.

“Nếu dùng tiền, chúng tôi sẽ không “đấu” lại, bởi ở Suntory Pepsico, tùy từng cấp bậc, chức vụ đã có định mức lương thưởng nhất định. Chúng tôi đã tìm và chỉ ra cho nhân sự này thấy những điểm mạnh của Suntory Pepsico mà khi đi đến môi trường khác bạn ấy sẽ không có được. Chúng tôi cũng chia sẻ rõ định hướng phát triển kinh doanh cũng như chiến lược đào tạo nguồn nhân lực để cho bạn này thấy rõ cơ hội của bạn vẫn rộng mở ở phía trước nếu cùng chúng tôi đi tiếp. Kết quả, bạn ấy đã quyết định ở lại cùng chúng tôi”, bà Anh Thư cho biết.

682_untitled(4)

Ở một góc độ khác, nếu doanh nghiệp quyết tâm giữ chân nhân tài bằng mọi giá sẽ là việc làm chỉ nghĩ cho bản thân doanh nghiệp mà không nghĩ cho nhân tài. Bà Anh Thư kể, đã có nhiều trường hợp, công ty quyết định “buông” chứ không giữ nhân tài bằng mọi cách.

“Khi nhân viên quyết định ra đi, nếu đó là điều tốt hơn cho họ thì chúng tôi không ngăn cản mà còn khuyến khích, động viên họ thử thách ở môi trường mới. Vấn đề chính là phân tích cho họ thấy, họ đứng ở đâu trong toàn bộ hệ thống vận hành. Nếu họ đi qua đối thủ cạnh tranh, chúng tôi luôn có cảnh báo rõ ràng”, bà Anh Thư nói.

Tương tự, bà Tô Hồng Trang – Phó tổng giám đốc Digiworld cho rằng: “Mọi người đều có một cuộc sống, có đam mê, khát khao cho riêng mình và chúng tôi khuyến khích mọi người sống, làm việc, thực hiện khát vọng đó”.

Bà Thư và bà Trang đều chấp nhận việc doanh nghiệp trở thành nơi đào tạo nhân sự lý tưởng mà không sợ bị mất người. Trên thực tế, có nhiều nhân tài sau thời gian thử thách ở bên ngoài đã quay trở lại đầu quân cho doanh nghiệp và họ vẫn được đón tiếp nồng nhiệt.

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn