Chiến lược lãnh đạo và chiến lược nhân sự là hai nội dung không thể tách rời của chiến lược phát triển doanh nghiệp (DN), là công cụ để thực hiện thành công chiến lược kinh doanh nhờ định hướng đúng đắn tạo nên hệ thống và con người phù hợp để duy trì năng lực nội tại bền vững cho DN. Trong thế giới phẳng và xã hội rộng mở như hiện nay, có chiến lược kinh doanh phù hợp với DN là điều cần thiết, thậm chí mang tính chất quyết định sự sống còn của DN.
Thế nhưng, kết quả cuộc khảo sát do Hiệp hội Nhân sự (HRA) thực hiện hồi tháng 4/2014 cho thấy, chỉ có 27% DN có chiến lược lãnh đạo và chiến lược nhân sự, 43% nhân sự được tham gia vào toàn bộ quá trình xây dựng chiến lược, có 13% chiến lược lãnh đạo và chiến lược nhân sự không hoàn toàn kết nối với chiến lược kinh doanh.
Chiến lược nhân sự
Con người hay nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong việc triển khai kế hoạch chiến lược. Đây chính là đối tượng chủ chốt để thực hiện, cụ thể hóa các mục tiêu và sứ mệnh của DN. Không có yếu tố con người hay nguồn nhân lực đảm bảo, DN khó có thể thực hiện các mục tiêu chiến lược, giữ gìn và phát triển các giá trị cốt lõi.
Chiến lược nhân sự là một phần trọng yếu trong chiến lược kinh doanh. Chiến lược nhân sự tập trung vào việc hoạch định chi tiết và cụ thể nguồn lực để triển khai các mục tiêu kinh doanh đề ra.
Cụ thể là phân tích thực trạng nguồn nhân lực; dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; đưa ra các kế hoạch chi tiết về việc đáp ứng nhu cầu nhân lực (số lượng, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, thời gian cung ứng nguồn lực nêu trên); quyết định cắt giảm, thuyên chuyển, tuyển mới, tái đào tạo, đào tạo, tái cấu trúc…; đánh giá các việc thực hiện chiến lược nhân sự để hiện thực hóa và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh.
Tại các DN FDI như LG Việt Nam, Samsung Việt Nam, Microsoft Việt Nam,… việc tham gia vào quá trình xác lập mục tiêu của DN và chiến lược của tập đoàn thường tập trung ở đội ngũ quản trị cấp cao người nước ngoài. Hầu như các cán bộ quản lý nhân sự tại địa phương không có cơ hội tham gia mà chỉ đóng vai trò triển khai, thực thi các kế hoạch nhân sự đã được vạch sẵn ở địa phương.
Chẳng hạn, với quyết định của Tập đoàn Microsoft mua lại Nokia và mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh, giám đốc nhân sự có vai trò xây dựng kế hoạch chi tiết để phát triển nguồn nhân lực lớn nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển nhà máy.
Hay như tại Tập đoàn LG, chiến lược mở nhà máy giá trị 1,5 tỷ USD tại Tràng Duệ, Hải Phòng và các quyết định về nhân sự đã được hoạch định từ cấp tập đoàn, giám đốc nhân sự tại Việt Nam chỉ triển khai chi tiết việc cắt giảm, thuyên chuyển nhân sự tại Hà Nội và tuyển dụng đội ngũ nhân sự mới tại Hải Phòng.
Kết nối kinh doanh
Trọng tâm của việc hoạch định chiến lược kinh doanh là xác định mục tiêu dài hạn của DN, đưa ra các chương trình hành động tổng quát, lựa chọn chiến thuật để hiện thực hóa các mục tiêu đó. Chiến lược kinh doanh phải thể hiện đầy đủ những phân tích môi trường cạnh tranh, nội bộ, đối thủ, nhà cung cấp để đề xuất một chiến lược cạnh tranh phù hợp với từng giai đoạn, giúp đạt được mục tiêu đề ra.
Tại các công ty đa quốc gia, hệ thống chiến lược về sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi đã hình thành và có sẵn từ công ty mẹ. Hệ thống và các giá trị này liên tục được khẳng định, phổ biến, cải tiến và phát triển phù hợp với xu thế thời đại và sự phát triển của xã hội, nhu cầu sản phẩm và nhu cầu cạnh tranh của DN.
Công tác hoạch định chiến lược được thực hiện ở cấp quản trị tối cao. Các công ty tại Việt Nam chỉ thực hiện và triển khai chiến lược đó rồi báo cáo lại những thực tế, bất cập trong việc triển khai chiến lược tại Việt Nam, từ đó đề xuất những điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu chung của tập đoàn.
Việc truyền thông chiến lược tới từng cán bộ, nhân viên và quản lý các chương trình sáng kiến để phát triển hiệu quả hoạt động luôn được coi trọng và đề cao ở những DN này. Từ cấp quản lý tới nhân viên dù ít hay nhiều điều hiểu mục tiêu, sứ mệnh của DN và có hành động cụ thể để triển khai công việc hiệu quả.
Các kênh truyền thông mà các DN này sử dụng không chỉ thông qua các website, bản tin công ty mà còn được tổ chức liên tục, bài bản, chuyên nghiệp, lồng ghép vào các buổi đào tạo, nói chuyện chuyên khảo giữa ban lãnh đạo và nhân viên, các chương trình teambuilding, phương thức trực tiếp từ cấp quản lý xuống cấp dưới.
Để triển khai chiến lược kinh doanh một cách đồng bộ, các bộ phận chức năng trong DN như kinh doanh, marketing, nhân sự, sản xuất, kế toán, tài chính… đều có kế hoạch triển khai chi tiết phù hợp với chiến lược kinh doanh đã thống nhất.
Với tính chất kết nối, ràng buộc nêu trên, chiến lược nhân sự là một trong những nội dung quan trọng và giúp triển khai chi tiết các hạng mục cụ thể trong chiến lược kinh doanh, được triển khai sau khi các nội dung về năng lực cốt lõi và định hướng phát triển nhân sự đã rõ ràng. Chiến lược nhân sự được phân bổ từ trên xuống hay được đề xuất từ dưới lên phụ thuộc vào quy mô từng DN.
Tại các tập đoàn đa quốc gia, quản lý nhân sự thường tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược nhân sự, tùy từng cấp quản lý. Đội ngũ nhân sự của họ hoạt động rất hiệu quả, không chỉ trợ giúp các khối kinh doanh hoạt động hiệu quả mà còn cung cấp kịp thời các phương án triển khai thực tế về mặt quản trị nguồn nhân lực để đội ngũ quản lý cấp cao có thể điều chỉnh các chiến lược vĩ mô kịp thời.
Nguồn sưu tầm