Gần đây, nhiều công ty đã sử dụng các thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng, laptop,…) như là một kênh đào tạo nhân viên, đặc biệt là khi nhân viên luôn phải ở bên ngoài hoặc ở xa công ty. Tuy nhiên, không phải các doanh nghiệp đã hiểu đúng về hình thức đào tạo này.
Nhiều đơn vị nghĩ đơn giản rằng tổ chức cho nhân viên học hỏi qua các thiết bị di động chỉ là việc chuyển các nội dung đào tạo nhân viên lâu nay sang định dạng HTLM để dễ phổ biến hơn đến các nhân viên làm việc ở xa. Với nhân viên bán hàng hoặc kỹ thuật viên đi công tác xa gặp khách hàng, việc đào tạo qua di động là chuyển đến họ các nội dung dạng văn bản cho tablet hoặc điện thoại thông minh.
Dave Zielinski – một chuyên gia nhân sự ở Minneapolis, Hoa Kỳ – cho rằng, cách nghĩ như vậy là không ổn. Phải xem xét loại hình này như một chiến lược, do vậy phải có cả những hỗ trợ về hiệu quả đi kèm theo.
Dave Zielinski cho rằng nếu không thực hiện tốt, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ một “chuyến tàu” ứng dụng di động đúng cách cho việc đào tạo nhân viên. Ông cũng khuyên: “Hãy chuyển kiến thức đến nhân viên vào đúng khoảnh khắc mà họ cần đến”.
Tài liệu mà doanh nghiệp đang có thường là video, file định dạng “.pdf”, sách điện tử, đều là những tư liệu sẵn sàng cho môi trường đào tạo qua di động. Thế nên, thay vì dồn nỗ lực vào khả năng phát hiện kiểu thiết bị di động mà nhân viên đang dùng, để họ có thể truy cập được vào nội dung, doanh nghiệp nên tập trung vào chính nội dung đào tạo và tìm cách làm cho nội dung ấy thích ứng với các loại thiết bị di động đa dạng, luôn thay đổi không ngừng.
Đồng thời, hãy nghĩ cách lưu trữ các tư liệu đào tạo ấy sao cho dễ dàng gửi được đến thiết bị di động của nhân viên vào đúng khoảnh khắc mà họ cần đến.
Dave Zielinski nêu một ví dụ ở TELUS – một công ty viễn thông ở Canada, nơi mà nhân viên cho biết họ thích các video đào tạo ngắn từ một đến hai phút. Các video như vậy giúp các kỹ thuật viên mới của TELUS biết ngay các hướng dẫn ngắn khi triển khai công việc kỹ thuật của mình.
Việc sử dụng trò chơi qua công việc, với nội dung do người sử dụng tạo ra cũng là một cách hay. Có thể chia thành 5 cấp độ trưởng thành của nhân viên, bắt đầu từ đánh giá kiến thức và hiểu biết tổng quan về các sản phẩm, đi cao lên dần qua các trò chơi mang tính đào tạo và hấp dẫn.
Khi đạt được bước tiến trong đào tạo, nhân viên sẽ có thêm tài nguyên trong các ứng dụng di dộng dành cho họ, được thiết kế như là phần thưởng kèm theo, giúp mọi người hào hứng với các ứng dụng di động để tìm các câu trả lời mà trò chơi đưa ra.
Nhân viên bán hàng tích lũy điểm và huy hiệu ghi nhận thành công của họ ở mỗi cấp độ chơi. Đến cấp độ 4, nhân viên sẽ được yêu cầu phải sử dụng được kiến thức bán hàng đã học (và kiến thức học qua di động) để tự mình tạo ra các nội dung mới thực hiện được cho môi trường kinh doanh thực tế của chính họ.
Các chuyên gia cho rằng vẫn còn chỗ cho hình thức học trực tuyến kiểu “lật từng trang” màn hình. Tuy nhiên nếu chỉ như vậy thì quá lãng phí với môi trường di động.
Ngoài ra, cần lưu tâm đến vấn đề là trong lúc di chuyển, không phải nhân viên nào cũng có thể truy cập vào mạng của công ty để lấy ra nội dung đào tạo phù hợp cho mình. Do vậy, cần phải thiết kế làm sao để họ có thể kết nối với công ty mọi lúc mọi nơi.
Theo dõi được nhân viên học, chuyển tư liệu đào tạo dễ dàng đến cho nhân viên và khiến họ hào hứng học hỏi ngay cả khi họ không trực tuyến chính là điều các doanh nghiệp nên thực hiện.
Theo doanhnhansaigon