Khi đưa lên bàn cân những lựa chọn công việc với các nhà tuyển dụng khác nhau, mức lương phải chăng là yếu tố đưa đến quyết định sau cùng của ứng viên? Nếu quá chủ quan với giả thiết này, doanh nghiệp sẽ chỉ tiêu tốn thêm một khoản chi phí cố định, lâu dài để thu hút ứng viên sáng giá, đồng thời góp phần tạo ra sự cạnh tranh kém lành mạnh trên thị trường lao động.
Người đi làm ngày nay nhạy bén và cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước. Họ quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố không trực tiếp quy đổi thành tiền nhưng rõ ràng có ảnh hưởng nhất định đến tám tiếng đồng hồ mỗi ngày của họ. Trừ đi tám tiếng dành cho việc nghỉ ngơi, tám tiếng đồng hồ (và thường là hơn) này gần như là cuộc sống của mỗi con người nên xét cho cùng, nếu có được điều kiện làm việc tốt, chúng ta dễ dàng có được một đời sống tinh thần tích cực, từ đó có thể phát huy cao nhất khả năng đóng góp cho doanh nghiệp.
Mức lương đương nhiên là yếu tố đầu tiên được cả hai phía quan tâm, thế nhưng việc ứng viên chọn nhà tuyển dụng có mức lương thấp hơn đã không còn là điều hiếm xảy ra. Vì sao? Ứng viên có thể chọn cho mình một môi trường làm việc ít áp lực hơn, hoặc họ cân nhắc kỹ những yếu tố, chi phí trong quá trình làm việc có thể khiến số tiền lương hấp dẫn kia trên thực tế giảm đi đáng kể.
Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, cạnh tranh thu hút nhân lực bằng mức lương dường như không còn là lựa chọn tối ưu, thay vào đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu hút ứng viên bằng nhiều yếu tố khác, đôi khi đã sẵn có ở doanh nghiệp nhưng nhà quản lý nhân sự chưa nhìn thấy ở đó sự hấp dẫn đối với ứng viên. Có thể kể đến một số yếu tố sau:
Văn hóa công ty: văn hóa công ty bao gồm và được tạo nên từ rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng với ứng viên đó là những gì họ có thể dễ dàng quan sát, nhận biết qua cuộc gặp gỡ với người quản lý nhân sự. Tác phong, cách ăn mặc của nhân viên, nhịp độ làm việc, nội thất, cách bài trí văn phòng – tất cả đều dễ dàng lọt vào tầm quan sát của ứng viên. Một doanh nghiệp với văn phòng làm việc xuống cấp, nhân viên chậm chạp, mệt mỏi sẽ khiến ứng viên đặt câu hỏi. Thu hẹp lại, văn hóa công ty còn có thể là văn hóa làm việc trong phòng ban “tương lai” của ứng viên.
Tính cách, quan điểm làm việc của người lãnh đạo phòng ban sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ với ứng viên. Cùng một vị trí công việc nhiều áp lực, nhưng người lãnh đạo ở doanh nghiệp A tự hào vì nhân viên thường xuyên phải làm quá giờ sẽ khiến ứng viên phải so sánh khi người lãnh đạo ở doanh nghiệp B cho biết việc này không thường xuyên xảy ra vì nhân viên được khuyến khích quản lý khách hàng, giúp họ quản lý thời gian tốt hơn. Nếu như doanh nghiệp có được nếp văn hóa tốt, người quản lý nhân sự có thể tạo điều kiện đểứng viên thấy rõ điều đó, như đưa ứng viên tham quan văn phòng hoặc bố trí cuộc gặp vào một sự kiện nội bộ định kỳ nếu có thể.
Vị trí tọa lạc: vị trí đắc địa, tức những khu vực trung tâm dễ thu hút ứng viên, nhưng mặt trái của tính “trung tâm” này là tình trạng khan hiếm bãi đậu xe cho nhân viên. Phần lớn các doanh nghiệp không có riêng nhà xe nên nhân viên phải gửi xe ở những điểm công cộng. Khi đó, họ không chỉ mất thêm thời gian đi bộ đến văn phòng mà còn phải đối mặt với những bất an có thể xảy ra trên đoạn đường này. Doanh nghiệp sẽ làm gì để cho thấy trách nhiệm của mình với sự an nguy của họ?
Bữa trưa và/hay những giờ nghỉ ngắn khác: bữa ăn trưa trên thực tế vô cùng quan trọng vì là thời gian nghỉ ngơi duy nhất trong nhiều giờ làm việc liên tục. Tiếc rằng nhiều doanh nghiệp đang ngày càng xem nhẹ khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá này bằng cách bố trí những cuộc họp vào giờ trưa.
BBC gần đây có bài viết đề cập đến vấn đề này, trong đó tác giả cho biết ông hết sức bất ngờ khi phỏng vấn nhiều nhà lãnh đạo cho một cuốn sách của mình, rất nhiều trong số những con người vô cùng bận rộn và bản thân thường bỏ qua bữa trưa này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghỉ trưa hay những giờ nghỉ ngắn khác.
Họ nhận thấy rằng những quãng thời gian nghỉ ngơi thực sự, tách hoàn toàn khỏi công việc, như đến một nhà ăn tươm tất, không phải nhà hàng thức ăn nhanh, giúp nhân viên tái tạo năng lượng mới cho tư duy (chiến lược). Tác giả thậm chí còn đưa ra câu hỏi có nên biến việc nghỉ trưa thành bắt buộc, hay thậm chí khuyến khích thưởng cho những nhân viên sử dụng giờ nghỉ trưa một cách đúng đắn.
Chế độ nghỉ phép: ngoài số ngày nghỉ phép thông thường, nhiều doanh nghiệp thêm vào danh sách những ngày nghỉ hưởng lương như sinh nhật, nghỉ hè, giúp nhân viên có được cuộc sống tinh thần phong phú. Cũng tương tự như nghỉ trưa, những dịp vắng mặt này sẽ giúp nhân viên tái tạo năng lượng, quay trở lại công việc với một tinh thần và cái nhìn mới mẻ hơn.
Việc thu hút nhân sự bằng lương là yếu tố rất quan trọng nhưng chưa đủ, khi con người ta, dưới nhiều áp lực của cuộc sống hiện đại cũng như tình hình kinh tế, trở nên thực tế và nhìn sự việc một cách đa diện hơn. Điều này ngược lại cũng có tác động tích cực đến doanh nghiệp khi họ có thể tận dụng những thế mạnh sẵn có để thu hút nguồn lực mới hoặc nỗ lực thay đổi, phát triển để nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường lao động.
Sưu tầm